Yếu tố hiện đại luôn nhắc nhở các nhà biên soạn phải hóa thân vào thời đại để có những bài học mang tính cập nhật. Đơn cử ở môn Tiếng Việt, chương trình học không nên chỉ cung cấp vốn từ cho học sinh mà còn mang theo nhiều chức năng của các môn học khác. Ví dụ sau khi học âm “a”, giáo viên cho học sinh tìm các tiếng có âm “a” như ba, má, cá…, sau đó nâng lên thành các bài tập thống kê âm “a” xuất hiện bao nhiêu lần trong vốn từ ngữ các em sử dụng hàng ngày, qua đó bước đầu hình thành tư duy phân tích, tổng hợp cho học sinh. Tất cả bài tập tiến hành đơn giản như một trò chơi giúp trẻ phát triển tư duy, sáng tạo, đi kèm các dụng cụ học tập mang tính sư phạm, mỹ thuật và khoa học. Tôi muốn nhấn mạnh, không thể có SGK, tài liệu học tập hiện đại biên soạn một cách riêng lẻ ở từng môn học mà phải trong hệ thống chung từ đào tạo giáo viên, phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá đến xây dựng thiết kế trường học, lớp học, bàn ghế, dụng cụ học tập, kỹ thuật trình bày, in sách...
Đòi hỏi thứ hai cần có của SGK là tính chuyên nghiệp. Các nhà xuất bản phải xây dựng, đào tạo một đội ngũ biên soạn SGK và tài liệu dạy học. Đó có thể là cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, giảng viên, giáo viên, nhà văn… trải qua sự chọn lọc về năng lực biên soạn sách, có công trình nghiên cứu, được đưa đi đào tạo, tham khảo, học tập kinh nghiệm từ các nước tiên tiến trên thế giới về biên soạn SGK. Tác giả (nhà biên soạn) sau khi viết SGK phải có trách nhiệm soạn tài liệu giảng dạy và tập huấn giáo viên. Mỗi năm học phải đi dự giờ, thăm lớp, khảo sát hiệu quả sách và tài liệu giảng dạy, đồng thời báo cáo kết quả đạt được theo mục tiêu đề ra và những vấn đề còn hạn chế. Hàng năm, nhà xuất bản phải tổ chức điều chỉnh, biên soạn sách và tài liệu để cập nhật, tùy theo mức độ thành lập hội đồng điều chỉnh. Đặc biệt, trong quá trình biên soạn SGK, mỗi bài học sẽ đưa ra nhiều phương pháp giảng dạy khác nhau ở nhiều tình huống, đặc điểm vùng miền, đối tượng học sinh khác biệt về đặc điểm tâm lý, văn hóa. Đồng thời, tác giả biên soạn SGK cũng là người thiết kế các bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh bằng nhiều hình thức, chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.
Ngoài hai yếu tố hiện đại và chuyên nghiệp, SGK cần đảm bảo tính Việt Nam. Nửa thế kỷ trước, trường tiểu học có hai phân môn là “Tập đọc” và “Tập làm văn”. Những bài tập đọc đi vào lòng trẻ thơ một cách đơn giản, nhẹ nhàng nhưng ghi nhớ suốt cuộc đời, giúp học sinh yêu thích môn học. Tôi cho rằng các tác giả biên soạn SGK hãy dạy tiếng Việt cho trẻ em Việt Nam theo đặc điểm ngôn ngữ của tiếng mẹ đẻ, chưa cần thiết dạy trẻ phân biệt từ láy, từ ghép, hàm ngôn, nghĩa tu từ, yêu cầu học sinh vận dụng kiến thức ngữ pháp để phân tích cấu trúc câu, thành phần câu. Tôi đề xuất những kiến thức ngôn ngữ học nên đưa lên các bậc học cao hơn chứ không nên ở tiểu học.
Như vậy, để SGK trở thành một trong những tài liệu dạy học đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, Bộ GD-ĐT cần thành lập bảo tàng SGK gồm 2 phần: sưu tầm đầy đủ tất cả SGK Việt Nam qua các thời kỳ (có thể bao gồm sách tham khảo, giáo trình đào tạo ở trường sư phạm) và SGK, tài liệu dạy học ở các nước tiên tiến trên thế giới. Bảo tàng SGK sẽ là trung tâm nghiên cứu khoa học về SGK cho các nhà giáo dục, học sinh, sinh viên, đồng thời mở cửa cho tất cả người dân vào tham quan tìm hiểu.