Chúng tôi cho rằng cần phải dùng những khái niệm phù hợp với các vấn đề, sự kiện diễn ra trong đời sống xã hội sao cho mọi người dễ nắm bắt và hiểu đúng. Do đó, cần xây dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp hơn là xây dựng “văn hóa công vụ”. Quả thật, văn hóa là một khái niệm đa nghĩa và không phải dễ để thao tác thành các chỉ báo. Chẳng hạn, đâu là những khía cạnh, những chỉ báo của “văn hóa công vụ”? Liệu công thức thực hành “4 xin, 4 luôn” - Xin chào, xin lỗi, xin cám ơn, xin phép; Luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ - là văn hóa?
Theo chúng tôi, thay vì nói xây dựng văn hóa công vụ thì chúng ta nên hướng đến việc xây dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp. Vậy đâu là những chiều cạnh của nền hành chính công vụ chuyên nghiệp?
Nền hành chính chuyên nghiệp là nền hành chính mà trong đó, các quy định quy chế phải mang tính “thành văn” rõ ràng và dễ hiểu cho tất cả người dân. Tức là các quy định về thủ tục hành chính phải rõ ràng, người dân đọc vào thì họ biết được những bước, những khâu nào, những loại giấy tờ, minh chứng nào cần có khi thực hiện một công việc liên quan đến hành chính. Một nền hành chính mà các quy định rối rắm, không rõ ràng, thì dù công chức có “mỉm cười” hay “nhẹ nhàng” cũng không giải quyết được quyền lợi chính đáng cho người dân và doanh nghiệp.
Nền hành chính chuyên nghiệp là nền hành chính mà trong đó, các cán bộ, công chức được tuyển dụng dựa trên năng lực chuyên môn phù hợp với từng vị trí công việc trong nền hành chính. Mỗi công chức đều phải hiểu rõ, nắm vững những yêu cầu trong vị trí công việc của mình và có kiến thức chuyên môn để thực hiện những yêu cầu ấy. Vì vậy, chúng ta cần phải xem lại các cán bộ, công chức đang làm việc trong bộ máy hành chính có được tuyển dụng, bổ nhiệm đúng với chuyên môn được yêu cầu hay không.
Đồng thời, người cán bộ, công chức trong bộ máy công vụ phải là một người lao động chuyên nghiệp, tức là phải làm việc hết trách nhiệm, nghiêm túc trong khâu công việc mà mình đảm nhận. Để đánh giá họ có nghiêm túc và chuyên nghiệp trong công việc hay không thì phải xem họ có đi làm đúng giờ quy định không, có làm việc riêng như chơi game, lướt web, tán gẫu trong quá trình làm việc không, có hướng dẫn rõ ràng cho người dân và doanh nghiệp hiểu các thủ tục hành chính không… Theo chúng tôi, những yếu tố này quan trọng hơn việc mỉm cười hay nhẹ nhàng trong giao tiếp của người cán bộ, công chức với người dân và doanh nghiệp.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng tạo dựng một nền hành chính công vụ chuyên nghiệp thì rõ ràng và dễ hiểu hơn là nói văn hóa công vụ.