Thế nhưng, ở nhiều người trẻ vẫn có sự hiểu sai về tính chuyên nghiệp, nhiều người cho đó chỉ là năng lực chuyên môn mà quên mất rằng sự chuyên nghiệp còn thể hiện ở nhiều phương diện, từ cách giao tiếp qua email, tin nhắn, cách trao đổi giữa cá nhân, cách phát biểu trước tập thể, lối hành xử giữa đồng nghiệp… tất cả đều thể hiện tính chuyên nghiệp của mỗi cá nhân.
Môi trường làm việc luôn đề cao tính chuyên nghiệp, chỉn chu |
1. Một chị đồng nghiệp mới gọi tôi… mắng vốn. Lý do là tôi giới thiệu cho con chị một cô gia sư khá “kỳ cục”. Rồi chị kể: Cô hẹn 7 giờ tối, nhưng 7 giờ 45 cô gia sư mới tới mà không báo trước tiếng nào, báo hại cả nhà ngồi chờ không biết có xảy ra chuyện gì không. Là buổi gặp đầu tiên, nên cô không dạy mà chủ yếu chỉ tìm hiểu qua về trình độ của học sinh và đưa ra một số yêu cầu để cha mẹ chuẩn bị.
Sẽ không có gì đáng nói, nếu như hôm đó cô gia sư (là sinh viên năm cuối) không mang theo một anh người yêu. Anh này ngồi cạnh như thần hộ vệ, đặt nhiều câu hỏi cho phụ huynh về giờ giấc sinh hoạt của gia đình, để đảm bảo người yêu mình không phải đụng mặt... nam chủ nhà mỗi lần tới dạy. Kết thúc buổi gặp, cô gia sư còn nhẹ nhàng nói, “hôm nay chỉ là buổi gặp đầu tiên nhưng em vẫn tính tiền nhé”!
Câu chuyện làm tôi nhớ đến một gia đình người quen khác, cũng phải cho cô gia sư nghỉ vì mỗi lần cô đến dạy lại đưa theo bạn trai, ngồi ở ghế sofa để… giám sát. Phụ huynh tế nhị nói lần sau bạn trai ngồi quán nước dưới nhà chờ cô cũng được, nhưng cả hai nhất quyết không chịu. Vị phụ huynh phàn nàn “phải chi là quán cà phê hay nơi công cộng nào đó thì ngồi chờ bạn làm việc cũng được, nhưng đây là nhà riêng mà, các bạn ấy không biết ngại sao?”.
2. Chị tôi mới thành lập một công ty về logistics. Có lần, chị bảo mới cho một em nghỉ việc, dù cũng khá tiếc. Bạn này khá xinh xắn lại nhanh nhẹn. Nhưng phải cái tội, tin nhắn trong nhóm công ty nhiều khi em không thèm đọc, dù tin nhắn đã gắn thẻ (tag) tên. Gọi điện không nghe máy, nhắn tin công việc có khi phải từ sáng tới chiều hoặc qua hôm sau mới trả lời. Mọi người có ý kiến thì em thản nhiên nói, đâu phải lúc nào em cũng xem điện thoại, em còn cuộc sống của mình chứ có phải mỗi việc ở công ty đâu? Các đồng nghiệp ai cũng ngao ngán, vì khi có việc cần không kiếm được em. Rồi những khi em có chuyện cãi cọ với người yêu, em sẽ tới chỗ làm với khuôn mặt sưng húp, cứ như người mất hồn, ai hỏi gì cũng không nghe thấy.
Hai tháng sau gặp lại, người chị chủ công ty này khoe mới tuyển được một nhân sự khác rất ưng ý. Cũng là một bạn trẻ tuổi, nhưng bạn khá đĩnh đạc, phong cách làm việc chuyên nghiệp và có tinh thần cầu tiến. Bạn chưa bao giờ đi trễ, công việc cứ giao cho bạn là yên tâm. Công việc vào tay bạn tự nhiên trôi chảy nhịp nhàng, khối lượng công việc được giao nhiều nhất nhì công ty nhưng bạn chưa bao giờ tỏ ra mất kiểm soát. Với những việc chưa có kinh nghiệm, bạn cũng không ngại đi hỏi và chú tâm học rất nhanh. Dễ hiểu là bạn được trả lương cao dù chỉ là người mới.
Chị chủ nhận xét, điều tuyệt vời nhất là sự chuyên nghiệp của bạn đó đã truyền năng lượng tích cực cho mọi người trong công ty để làm việc tốt hơn. Trong môi trường công việc nhiều áp lực, điều này lại càng có ý nghĩa.
3. Tính chuyên nghiệp trong công việc, nó không chỉ là năng lực, cách thức làm việc, giải quyết vấn đề khoa học, hiệu quả, nó còn là tinh thần, thái độ chúng ta thể hiện mỗi ngày. Thực ra, không phải ai cũng chuyên nghiệp ngay từ đầu. Tính chuyên nghiệp hoàn toàn có thể rèn luyện được thông qua quan sát và học tập một cách nghiêm túc.
Hiện nay, không thiếu sách vở, tài liệu hướng dẫn về những điều này. Vấn đề còn lại chỉ nằm ở ý thức của mỗi người về việc tự rèn luyện bản thân, quan trọng ở chỗ chúng ta có coi trọng việc này hay không mà thôi. Có bạn trẻ lo lắng mình tỏ ra nhiệt tình quá sẽ bị thiệt thòi, dễ bị lợi dụng, bị sai vặt. Điều này cũng có lý. Nhưng sự nhiệt tình của một người chuyên nghiệp sẽ rất khác so với một kẻ yếu kiến thức, thiếu tự tin, khúm núm nơi làm việc. Sự chuyên nghiệp giúp chúng ta có khí chất mạnh mẽ và buộc người khác phải tôn trọng, công nhận chứ không thể coi ta là thứ “dễ xơi” để bắt nạt!