Theo anh, nhiều đoàn làm phim làm việc liên tục 17-18 giờ/ngày mà không ai can thiệp. Đạo diễn Em chưa 18 cho rằng, điều đó phản ánh một sự không nghiêm túc trong điện ảnh. Và khi không đảm bảo điều đó, chất lượng của người trong ngành khó có thể phát triển.
Thời gian làm phim chỉ là một trong số những yếu tố đảm bảo sự chuyên nghiệp của một nền công nghiệp điện ảnh, nhưng yếu tố đó mang tính then chốt. Ấy vậy mà nó vẫn cứ tồn tại như một điều hiển nhiên, dù trong những lần chia sẻ trước truyền thông, nhiều diễn viên vẫn ra rả kể khó, kể khổ, phải làm việc liên tục với cường độ cao. Họ biết nhưng sẵn sàng và phải chấp nhận, bởi cả thị trường như thế. Nếu không chấp nhận, nghiễm nhiên họ phải đứng ngoài guồng quay thị trường. Ở cương vị nhà sản xuất, nhiều người lấy lý do kinh phí sản xuất thấp, việc kéo dài thêm thời gian quay phim đồng nghĩa kinh phí đội lên hàng trăm triệu đồng mỗi ngày. Điều đó đúng nhưng cái đúng ấy chỉ mang tính tương đối và là giải pháp tình thế. Về lâu dài, buộc phải thay đổi.
Nói như đạo diễn Charlie Nguyễn, Việt Nam chưa có một ủy ban điện ảnh (film commission) để kiểm soát vấn đề lao động, bảo vệ đời sống, chất lượng người trong ngành, từ đó đảm bảo chất lượng sản phẩm được tốt hơn. Có chăng diễn viên hay ê kíp chỉ dám than thở với nhau, vì nói ra cũng không ai đứng ra bảo vệ và giải quyết vấn đề tận gốc. Nhìn rộng hơn, điện ảnh Việt còn rất nhiều tồn tại đã trở thành căn bệnh “trầm kha”. Diễn viên làm việc vất vả nhưng không ít lần bị nợ lương, quỵt cát xê. Nhiều nhân sự trong đoàn phim không được ký hợp đồng, mua bảo hiểm đầy đủ.
Câu chuyện chuyên nghiệp không phải muốn là thay đổi trong một sớm một chiều. Bộ phim Tiệc trăng máu mất 10 ngày để mọi thứ đi vào nề nếp và diễn viên chỉ làm việc 10-12 giờ/ngày. Để đạt được điều đó, đòi hỏi sự chuyên nghiệp rất cao ở từng người, từng khâu. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng từng chia sẻ, đây là đoàn phim có lịch làm việc tôn trọng sức khỏe của các thành viên nhất. “Khi đủ sức khỏe, chúng ta sẽ sáng suốt, nhiều năng lượng và phấn chấn hơn để sáng tạo”, anh nói. Sự thay đổi trong một đoàn làm phim đã khó, sự thay đổi cho cả nền điện ảnh sẽ khó hơn gấp bội. Nhưng khó không đồng nghĩa với bất khả. Nếu không học cách thay đổi từ trong tư duy, mọi chuyện mãi mãi chỉ dừng lại ở chiếc “bánh vẽ”.