Chuyện ngày hôm qua - những trái tim thắp lửa

Sau phim Lửa thiện nhân làm điên đảo các rạp chiếu năm 2016, trong những ngày này, giới trẻ Hà Nội một lần nữa trở về với không khí của những năm 90 đầy sôi nổi, đam mê với ban nhạc Bức Tường và thủ lĩnh Trần Lập qua bộ phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua. Bộ phim đã chạm tới cảm xúc của người xem với những câu chuyện chân tình về một trong những ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam - thần tượng của bao giới trẻ một thời.

Sau phim Lửa thiện nhân làm điên đảo các rạp chiếu năm 2016, trong những ngày này, giới trẻ Hà Nội một lần nữa trở về với không khí của những năm 90 đầy sôi nổi, đam mê với ban nhạc Bức Tường và thủ lĩnh Trần Lập qua bộ phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua. Bộ phim đã chạm tới cảm xúc của người xem với những câu chuyện chân tình về một trong những ban nhạc rock đầu tiên của Việt Nam - thần tượng của bao giới trẻ một thời.

Phim tài liệu Chuyện ngày hôm qua

Hành trình 20 năm

Chuyện ngày hôm qua là bộ phim tài liệu kể về hành trình hơn 20 năm sống trọn với đam mê của ban nhạc Bức Tường, từ khi họ còn là những chàng trai giàu nhiệt huyết cho đến khi trở thành những người đàn ông trưởng thành đầy bản lĩnh. Trên hành trình ấy, họ đã trải qua biết bao thăng trầm, biến cố; nhiều lần hợp tan, mâu thuẫn nội bộ; những áp lực của cuộc sống gia đình và đời sống showbiz. Vượt qua tất cả, Bức Tường đã khẳng định vị thế hàng đầu của một ban nhạc rock, bằng việc sáng tạo nên những ca khúc giàu chất nhân văn, mang tính thẩm mỹ cao và tạo được hiệu ứng mạnh mẽ đối với đông đảo các tầng lớp khán giả…

75 phút phim mở ra trong khung cảnh những thành viên còn lại trong ban nhạc Bức Tường ngồi hàn huyên bên hồ, nhâm nhi tách cà phê, ôm đàn guitar và hồi tưởng lại câu chuyện về tuổi thanh xuân. Cuộc trò chuyện thiếu đi người thủ lĩnh - nhạc sĩ Trần Lập, nên không khí càng nhuốm màu hoài niệm. Một phim tài liệu không có lời bình, cảm xúc của khán giả đều xuất phát từ những câu chuyện của các thành viên Bức Tường, gia đình, MC Lại Văn Sâm, nhạc sĩ Trần Thanh Phương hay một anh hàng xóm cũ của Trần Lập...

Những thước phim đưa người xem lội ngược thời gian trở về với những năm đầu thập niên 90, khi các chàng sinh viên trẻ đam mê Rock cùng nhau lập nên ban nhạc Bức Tường. Những câu chuyện giản dị dần dần làm đầy lên ký ức về Trần Lập và ban nhạc Bức Tường trong suốt hơn hai chục năm. Chuyện cả nhóm phải vay mượn để đi Hải Phòng mua nhạc cụ cũ. “Đàn rất tệ, tới mức chỉ cần kêu được là hạnh phúc rồi. Buổi đầu tiên tới phòng thu mất nửa ngày để chỉnh dây đàn và cứ được “ông” nọ hỏng “ông” kia”, nhạc sĩ Thanh Phương nhớ lại. Chuyện lần đầu tiên Bức Tường được đài truyền hình mời lên sóng và dứt khoát từ chối lời đề nghị mặc trang phục chỉn chu thay vì phong cách bụi bặm đậm chất rock. Rồi những đêm diễn đầy nhiệt huyết mà chỉ cần nhìn xuống phía dưới khán đài cũng có thể thấy sức nóng ngùn ngụt tỏa ra từ những trái tim yêu rock. Rất nhiều câu chuyện hậu trường về Bức Tường mà có lẽ nếu không có bộ phim này, người ngoài khó lòng biết được.

Giữa lúc ban nhạc đang ở độ chín của sự nghiệp âm nhạc thì nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập mắc bạo bệnh và qua đời, để lại khoảng trống mênh mông, sự chơi vơi trong tâm hồn những người ở lại. Ban nhạc nhiều lần bị đặt trước sự lựa chọn: dừng lại hay tiếp tục vì không có người thủ lĩnh nào có thể thay thế được Trần Lập.

Bước ngoặt mới của phim tài liệu

Chuyện ngày hôm qua là bộ phim đầu tiên về ban nhạc Bức Tường và cũng là bộ phim tài liệu dài đầu tiên về một ban nhạc tại Việt Nam. Đây là sự trở lại đánh dấu một bước ngoặt mới cho thể loại điện ảnh tài liệu. “Lúc đầu chúng tôi chỉ định phát sóng trên truyền hình nhưng sau buổi dựng đầu tiên, tôi hứa với đạo diễn cố gắng đưa ra rạp”, đạo diễn Trịnh Quang Tùng, Phó Giám đốc Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương kể. Cách kể chuyện đơn giản nhưng được xây đắp bằng đam mê của chính đạo diễn, có lẽ cũng vì thế mà mỗi hình ảnh, mỗi câu chuyện trong phim đều hướng tới cảm xúc của người xem. Phim được quyết định đầu tư kỹ lưỡng về kỹ thuật để thử sức khi trình chiếu ngoài rạp.

Nữ đạo diễn Đặng Linh chia sẻ, cô bắt đầu lên ý tưởng làm phim về ban nhạc Bức Tường và ca sĩ - nhạc sĩ Trần Lập từ khi còn là sinh viên Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh (Hà Nội). Trải qua học tập và làm việc, ước mơ đó lúc thì lớn lên, lúc nhỏ đi do những cuộc mưu sinh khác. “Khi còn là sinh viên, tôi đã rất đam mê âm nhạc của Bức Tường. Song việc làm phim chỉ thực sự bắt đầu khi hay tin anh Trần Lập bị ung thư. Không thể có nhiều thước phim về thủ lĩnh cũng như của ban nhạc nhưng tôi cũng đã dự tính trước, nếu sử dụng quá nhiều tư liệu sẵn có, có khả năng phim sẽ cũ kỹ và nhàm chán, nên rất tiết chế, cái gì cần và “đắt” mới sử dụng. Đa phần, tôi dùng hình ảnh ghi thời điểm hiện tại, phỏng vấn nhân vật, để họ bộc lộ cảm xúc và tự kể câu chuyện của họ”, đạo diễn Đặng Linh nói.

Theo đạo diễn Đặng Linh, bộ phim ban đầu là Đường đến ngày vinh quang, đặt theo tên một ca khúc của Bức Tường, vì nghĩ đến hành trình 22 năm của họ. Họ đã đi đến đỉnh vinh quang, điều đó hồi xưa chỉ nằm trong ước mơ của họ. Nhưng trong quá trình làm phim, các nhân vật có xu hướng kể nhiều về quá khứ, chứ không hề nói nhiều đến vinh quang họ đã trải qua. Câu chuyện thay đổi hướng về quá khứ, nên tên phim được thay đổi là Chuyện ngày hôm qua.

Có thể nói, phim chưa tạo nên “cơn sốt”, nhưng đã góp phần mở một hướng đi mới cho thể loại phim tài liệu. Song nhiều người xem cũng cảm thấy tiếc bởi phim xúc động nhưng chưa để lại những dấu ấn đặc biệt rõ nét. Dường như đạo diễn đã hơi tiết chế cảm xúc nên phim có phần tròn trịa quá, thiếu dấu ấn cá nhân…

Theo Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, sau công chiếu ở Hà Nội, dự kiến phim sẽ được trình chiếu tại nhiều tỉnh, TP lớn khác như: TPHCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng…

MAI AN

Tin cùng chuyên mục