Thế nhưng cô vợ khi sống lại đã phụ bạc chồng bỏ đi theo một gã lái buôn. Anh chồng buồn bã đòi lại ba giọt máu. Cô vợ cắt tay trả ba giọt máu cũng lại lăn ra chết. Từ đó cô ta hóa thành con muỗi những mong hút đủ ba giọt máu hồi sinh. Kể ra chuyện cổ tích này cũng hơi ác với đàn bà. Các chân dài hiện đại bỏ chồng theo đại gia vô khối mà không ai bị hóa thành con muỗi.
Minh họa: D.KHANH
Hà Nội hơn nửa thế kỷ trước vẫn là một thành phố được bao bọc bởi bốn bề sông nước, ngòi rãnh, ao chuôm. Là nơi lý tưởng cho loài muỗi phát triển. Những sông Kim Ngưu, Tô Lịch và những ngòi nhỏ chạy khắp vùng ven. Khi ấy Hà Nội chỉ nằm gọn trong bốn quận nội thành bây giờ. Ra đến Yên Hòa - Cầu Giấy, Bưởi hay xuống Đại Cồ Việt, Ô Đống Mác, Vọng, Ngã Tư Sở… đã là những ổ muỗi kinh hoàng. Những ngôi nhà trong xóm Ao Dài trên đê Tô Hoàng năm sáu giờ chiều đã phải mắc màn chui vào dọn cơm ăn nếu như không muốn muỗi bay cả vào miệng.
Gia đình Hà Nội lúc ấy có thể thiếu thốn mọi bề nhưng không thể thiếu chiếc màn vải xô. Màn dày nặng trịch dệt bằng sợi thô hồ cứng bán ở mậu dịch cho các đôi mới cưới. Cán bộ, công nhân phải chờ phân phối ở cơ quan có bình bầu hẳn hoi. Dĩ nhiên nhà càng xa trung tâm thành phố cơ hội được mua màn càng cao. Hộ khẩu ở những khu Hoàn Kiếm, Ba Đình rất khó đến lượt. Chiếc màn mắc lên cũng chưa xong việc. Vợ chồng con cái phải chung tay đập những con muỗi đã lọt vào trong màn. Chỉ sót lại một con thôi là rất có thể mâu thuẫn hôn nhân bùng nổ trong đêm. Chồng chê vợ vụng. Vợ bảo chồng lười. Chỉ đay nhau thế thôi chứ cũng chẳng có thêm chiếc màn để mắc ra ngủ riêng được.
Những năm 60 của thế kỷ trước, cả thành phố chỉ có duy nhất một thứ thuốc diệt muỗi mà thôi. Đó là thuốc DDT. Thuốc này do nhà hóa sinh học Thụy Sĩ Paul Muller sáng chế vào năm 1938 và được giải thưởng Nobel vào năm 1948. Người Hà Nội được cấp phát thuốc DDT dạng bột từ các trạm vệ sinh dịch tễ lưu động. Nhà nghèo mang về pha vào ống bơ thành dung dịch trắng như sữa, kiếm vài ngọn phi lao hay chổi đót nhúng vẩy khắp nhà. Nhà khá giả hơn lên phố Hàng Thiếc mua chiếc bình phun làm bằng sắt tây cũ. Bình phun có một ống bơ nằm ngang đựng thuốc và một bơm tay gắn liền. Tất cả được các ông thợ khéo tay Hàng Thiếc cắt sắt từ vỏ hộp ra hàn lại mà thành. Muỗi vãn đi được chừng một tháng sau khi phun thuốc. Thế nhưng rất ít bình phun dùng được quá hai lần bởi quãng thời gian giữa hai lần cấp thuốc thường là một năm. Bình han gỉ hỏng hóc phải vứt đi.
Thực ra từ năm 1968 thế giới đã bắt đầu cấm sử dụng DDT. Nó gây ra cái chết cho chim trời, gia cầm. Và hơn thế, nó phá hủy nội tiết tố đàn ông dẫn đến vô sinh hết sức nguy hiểm. Nhưng Việt Nam vẫn còn dùng nó đến tận cuối thập kỷ 70. Gia đình nào cũng con đàn cháu đống chẳng thấy làm sao cả. Thậm chí còn phải thành lập ra Ban vận động sinh đẻ có kế hoạch. Những năm chiến tranh, ám ảnh về dịch sốt xuất huyết còn đáng sợ hơn nhiều. Khá nhiều trẻ con đã bỏ mạng vì bệnh dịch này.
Giờ thì thành phố không còn nhiều muỗi như thế nữa. Đơn giản vì hầu như đã hoàn thành công cuộc san lấp sông hồ toàn thành phố từ hàng chục năm rồi. Người thiếu đất ở, đường đi, lấy đâu ra chỗ dành để nuôi muỗi. Những “cái vòi” của các đại gia ngành bất động sản đã cắm vào hầu hết ao hồ, ngòi, rãnh ven nội biến nó thành building cao ngất chẳng có muỗi nào đủ sức bay lên. Đã thế, những phát minh hóa chất gần đây đã cho ra đời hàng chục loại thuốc xịt muỗi bán khắp nơi với giá rẻ ai cũng có thể mua được. Nhiều nhà ở phố đã không còn dùng đến chiếc màn nữa.
Danh từ “muỗi” bây giờ ở phố chỉ còn được dùng như một tính từ để chỉ sự nhỏ bé, vô hại. Nhà giàu mất chiếc ô tô được coi chỉ như “muỗi đốt gỗ”. Trẻ con đến trường vay bạn vài chục nghìn thường được bạn khảng khái trả lời “Ồ, chuyện muỗi!”. Thế nhưng khoảng cách giàu nghèo ngày một nới rộng ra. “Chuyện muỗi” của người này đương nhiên to bằng cái ô tô của người khác.