Nếu Đất K là hồi ức của một cựu binh về những năm tháng trên chiến trường K đầy ác liệt, thì Nồi Đất đưa người đọc về với quãng thời gian trước đó, khi miền Nam đang chìm trong khói lửa của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Tác giả đã tái hiện hình ảnh quận 4, và gần đó là quận 8 ở thập niên 1960 thế kỷ trước. Một quận 4 thật lạ lẫm so với ngày nay khi còn là một cù lao, “chung quanh là sông nước, dân cư tứ xứ về đây sinh cơ lập nghiệp chính bằng lao động chân tay”.
Khởi đi từ một gia đình nhỏ bé ở quận 4, tác phẩm mở ra với những thân phận nghèo khó như vợ chồng ông Sứt, Thành, Lan, ông Hai Ký, Gù, Tám “ghẻ”… Họ đến từ nhiều nơi, làm những công việc khác nhau để mưu sinh và trong số đó, có không ít người là chiến sĩ cách mạng đang hoạt động bí mật. Qua sự dẫn dắt của Nồi Đất - tên nhân vật chính cũng là tên tác phẩm, câu chuyện lần lượt trôi qua những dấu mốc quan trọng: Cuộc tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968; Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975; công cuộc xây dựng và kiến tạo đất nước sau ngày giải phóng ở miền Nam…
Văn của Bùi Quang Lâm vẫn còn nhiều xù xì, thô ráp nhưng đôi lúc lại có những đoạn đẹp và nên thơ. Chẳng hạn như lúc ông miêu tả đời sống lao động của người dân khi nhân vật Nồi Đất về Bến Củi (huyện Dương Minh Châu, tỉnh Tây Ninh) tham gia xây dựng vùng kinh tế mới sau ngày đất nước thống nhất. Những trang viết của ông thật trữ tình: “Dưới ánh trăng sáng rực, tiếng hát ngày mùa lại vang lên. Trai gái vừa nhanh tay liềm vừa trêu ghẹo nhau qua lời nói xa gần, những ánh mắt len lén đưa tình dưới ánh trăng thêm ấm áp mối tình sâu kín lâu nay chưa lần bày tỏ”.
Và vì vậy, bỏ qua những hạn chế của một họa sĩ ở hành trình đầu với văn chương, Nồi Đất vẫn là một tác phẩm chứa đựng nhiều tư liệu quý giá. Bởi, dù kể chuyện của một người nhưng bao trùm tác phẩm là chuyện của một thời, như một cách nhắc nhớ về những năm tháng khó khăn nhưng đầy oanh liệt của quân và dân ta.