“Nói không” với phụ huynh
Kè kè hai cái điện thoại bên cạnh, dẫu công việc của nhân viên văn phòng không quá nhất thiết phải dùng 2 sim 2 số, Lê Thị Thu Hạnh (25 tuổi, quê Đồng Tháp, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) chia sẻ: “Tôi dùng 2 điện thoại để tạo 2 tài khoản trên Facebook và Zalo, một cái là liên hệ bạn bè và công việc, một cái là liên lạc với gia đình. Có lần, tôi đăng trạng thái buồn bã gì đó, cả nhà nháo nhào sợ mình làm sao, suy nghĩ dại dột nên gọi điện thoại liên tục. Từ đó, tôi lập hẳn 2 tài khoản, cái nào kết nối với gia đình thì mình không chia sẻ trạng thái, tâm sự gì”.
Câu chuyện của Hạnh cũng không còn lạ gì, để trang cá nhân thoải mái nhất trên “thế giới mạng” nhiều bạn trẻ nói không với việc kết bạn cùng phụ huynh trên nền tảng số. Mở kết nối, tương tác với bên ngoài nhưng ngắt kết nối mạng xã hội với phụ huynh, anh chị em và cả họ hàng quen biết. Một cuộc sống thường trực trên mạng, nhưng hoàn toàn cô đơn với gia đình là chuyện thường thấy trên trang cá nhân của nhiều bạn trẻ gen Z hiện nay.
“Mỗi lần đăng tấm hình đi chơi, hay viết dòng trạng thái câu like (lượt thích) cho vui cũng phải đắn đo suy nghĩ, sợ ba mẹ đọc được, mình viết theo trào lưu tâm trạng, ba mẹ không hiểu được tưởng mình gặp chuyện gì, rồi lo lắng, bất an. Ngay từ đầu, tôi không có kết bạn với ba mẹ trên mạng xã hội. Và tôi cũng không thích đăng một tấm hình lên trang cá nhân, rồi gắn thẻ tài khoản các thành viên trong gia đình, làm như vậy chỉ càng dễ lộ thông tin của mình thôi”, Trần Hiếu Huy (23 tuổi, nhân viên truyền thông, ngụ quận Tân Phú, TPHCM) cho biết.
Những “cuộc chiến bay màu”
Một thực trạng khác từ mạng xã hội hiện nay là không khó để bắt gặp các bài viết, hình ảnh “bóc phốt” trên mạng xã hội như: đòi nợ; đánh ghen; quán ăn - cửa hàng quần áo - mỹ phẩm chất lượng dỏm, giá “trên trời”… Chính những kiểu kiếm view (lượt xem) chụp giật như thế này đã khiến nhiều Facebooker, YouTuber, TikToker gần như là nỗi ám ảnh với nhiều hàng quán. Bởi một lần giới thiệu, khách đến rất đông, nhưng nếu có điều gì đó “phật lòng” các nhà sáng tạo nội dung số, thì một bài viết hay video “bóc phốt”, gần như chẳng còn khách nào dám đến. Thậm chí, nhiều quán ăn ở các địa phương có điểm du lịch nổi tiếng, treo sẵn biển cấm các TikToker, YouTuber đến để đảm bảo chuyện kinh doanh của mình.
Và câu chuyện gần nhất về quyền lực của đám đông trên cộng đồng mạng chính là lập nhóm “anti” một hoa hậu vừa đăng quang, đến mức gia đình, người thân của cô gái trẻ phải lên tiếng cầu cứu. Bởi phát ngôn vạ miệng của hoa hậu dẫu không thể chấp nhận được, thì không đến mức phải dồn người khác vào đường cùng, hay lôi kéo bạn bè, gia đình và những người không liên quan vào cuộc.
Tốc độ chia sẻ và đưa nội dung lên “top” tìm kiếm hàng đầu trên mạng xã hội nhanh như cái chớp mắt. Chính vì thế mà chuyện “trà xanh”, đòi nợ, “bóc phốt”… cũng được nhiều người đưa lên để nhờ sức ép của cộng đồng mạng đòi lại quyền lợi cho chính mình. Đằng sau màn hình, bàn phím và một tài khoản với cái tên bất kỳ nào đó, người ta thoải mái bình luận “ném đá”, thậm chí đánh “bay màu” những tài khoản có ý kiến trái chiều về một vấn đề hay nhân vật nào đó, nhất là giới nghệ sĩ giải trí có nhiều người theo dõi.
Sự thịnh hành của các nền tảng số không chỉ mở ra kênh kết nối, nhiều người cũng bắt đầu kinh doanh trực tuyến, làm nhà sáng tạo nội dung số với mức thu nhập hàng tháng từ rủng rỉnh đến “khủng”. Từ thế mạnh về tốc độ chia sẻ nội dung, nhiều câu chuyện tích cực, thiện nguyện, hay những hội nhóm bày nhau cách sống đẹp cũng lan tỏa đến cộng đồng nhiều hơn… Nhưng nỗi sợ “ồn ào” trên mạng hay mạng “ảo” gây tổn thương thật, ngày càng hiện hữu rõ hơn.
Trong tương lai, khi các cơ quan chức năng có những quy định liên quan đến việc “định danh tài khoản mạng xã hội”, chuyện tin giả, tin xấu hay video, hình ảnh độc hại hẳn sẽ hạn chế. Nhưng cao hơn mọi quy định, xử phạt chính là ý thức mỗi người, bởi mạng xã hội không tốt cũng không xấu, nó phụ thuộc vào cách mỗi người chúng ta vận hành và sử dụng.