Chuyện mẹ chồng, nàng dâu

Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu không phải là điều gì mới lạ, thậm chí còn được xem như là một mâu thuẫn cơ bản trong quan hệ gia đình, đặc biệt là các bạn trẻ mới cưới.
Cảnh trong phim Sống chung với mẹ chồng, bộ phim khơi lại những mâu thuẫn tiêu biểu trong đời sống gia đình
Cảnh trong phim Sống chung với mẹ chồng, bộ phim khơi lại những mâu thuẫn tiêu biểu trong đời sống gia đình

Thời gian qua, mâu thuẫn này lại càng được nhắc đến nhiều hơn sau khi bộ phim Sống chung với mẹ chồng thành công, đồng thời kéo theo hàng loạt phim khai thác về đề tài này cũng thi nhau ra mắt. Điều đáng nói là thay vì phản ảnh theo hướng tích cực, phần lớn các bộ phim đều khai thác những mặt tiêu cực trong mối quan hệ nhằm thu hút khán giả dẫn đến một hệ lụy là nhiều bạn trẻ bị ám ảnh về nỗi sợ “sống chung với mẹ chồng”.

Đụng đâu cũng thấy rối

Chị Th. kể, lấy chồng được 5 tháng thì chị cũng mang bầu được 5 tháng. Vừa mệt mỏi thể chất, lại thêm phải thay đổi, điều chỉnh bao nhiêu thứ trong cuộc sống nhất là ở một môi trường xa lạ. Ban đầu mọi thứ có vẻ tốt, cho đến một lần, một việc mà theo chị chỉ là việc “cỏn con” lại làm đổ vỡ tất cả. Để mẹ chồng đỡ mệt, chị chủ động lau dọn phòng riêng rồi theo thói quen, chị dán trước cửa phòng tờ giấy ghi “Phòng con lau rồi mẹ ạ”. Chỉ có thế, nhưng mẹ chồng chị trở nên khó chịu, tức giận, điều đáng nói là bà không nói chuyện gì với chị mà chờ chồng chị đi làm về mới mách với con trai, cho là chị hỗn hào, coi thường mẹ chồng. Điều mà chị Th. cảm thấy ấm ức nhất là trước khi về làm dâu, mẹ chồng có nói sẽ xem chị như con gái nhưng cô con gái ruột của bà có đi sớm về trễ, có ít trò chuyện với bà hay thậm chí có khi còn sỗ sàng thì cũng chẳng có gì cả. Trong khi đó, chỉ là một lời nhắn thông thường lại thành hỗn, thành hư, thành vô lễ.

Mâu thuẫn nàng dâu mẹ chồng luôn là đề tài nóng nhất trong tất cả câu chuyện của các cô con dâu và cả các bà mẹ chồng trong các buổi trò chuyện với bạn bè, hàng xóm hay là tâm sự trên các diễn đàn. Mà mâu thuẫn này thường xuất phát chính là ở chuyện dạy con, cháu. Có chị tâm sự, mẹ chồng chị quê ở một tỉnh miền Trung nắng gió, sinh chồng chị ra thì cũng cách nay gần 30 năm. Điều kiện ngày ấy ở quê nhiều khó khăn, phương thức nuôi con theo phương pháp dân gian là chính. Giờ ngay giữa đô thị lớn, hiện đại, bà cũng muốn áp dụng y như thế cho đứa cháu, nào là đau răng thì chỉ cần buộc tỏi giã nát buộc vào tay, răng chưa hết đau thì đã phải đưa đi bác sĩ vì tay bị phồng ngứa do dị ứng tỏi. Rồi bị trớ thì đun đọt tre non cho uống, giữa TP biết đi đâu lấy tre non, chồng chị phải nhờ người ngoài quê hái cho một ít, đưa vào đến nơi thì bé đã khỏi nhờ uống thuốc. Không phải bài thuốc dân gian nào cũng dở, có nhiều bài thuốc hay, hiệu quả chẳng qua không phù hợp với điều kiện đời sống đô thị. Thế nhưng, hễ chị góp ý là mẹ chồng khó chịu, giận dỗi, nói chị xem thường bà. Và tuyệt chiêu cao nhất mà lần nào bà tung ra chị cũng á khẩu “tôi nuôi con kém lắm, chẳng biết gì mà thằng chồng cô nó được như hôm nay đấy!”. Kết quả là xót con, thay vì cãi nhau với mẹ chồng, chị đành tự đưa con đi khám bác sĩ và quan hệ mẹ chồng nàng dâu lại càng căng thẳng hơn.

Cuộc đối đầu cả hai cùng thua

Theo các chuyên gia tâm lý, thực tế các bà mẹ chồng cũng đều biết nỗi khổ của các cô con dâu, bởi đơn giản, họ cũng từng là con dâu. Nhiều phụ nữ luôn quan niệm con trai của mình dù lớn thế nào chăng nữa nhưng vẫn luôn bé bỏng, luôn cần phải được mẹ che chở. Còn với con gái thì ngược lại, có chồng thì để chồng che chở. Chính vì thế, rất ít khi mẹ vợ lại mâu thuẫn với con rể, ngược lại còn có thể coi là dễ hòa hợp do các bà mẹ đều mong muốn đối xử tốt với con rể để từ đó, con rể lo lắng nhiều hơn cho con gái mình. Còn với con dâu, họ luôn mang tâm trạng con dâu sẽ đối xử không tốt với con trai mình, sẽ hại con trai của họ hay đáng sợ hơn là tước đoạt “đứa con bé bỏng” của họ khỏi vòng tay mẹ.

Chính vì vậy, một trong những lời nhắc nhở cơ bản của các chuyên gia tâm lý cho các cô con dâu luôn là “Đừng tranh giành chồng với mẹ”. Nghe có vẻ vô lý nhưng đó được xem là nguyên nhân phổ biến gây ra mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu. Lời khuyên với các nàng dâu là đừng bao giờ bắt chồng phải làm theo ý mình mà trái ý mẹ chồng, ít nhất là công khai, phải ghi nhớ trong đầu “mẹ chồng luôn luôn đúng”. Thay vì bắt chồng chống lại mẹ, các chuyên gia đều cho rằng nàng dâu nên tác động từ phía mẹ chồng, trên thực tế việc thuyết phục mẹ chồng có phần khó khăn hơn nhưng một khi đã làm được, sau đó sẽ rất thuận lợi và bớt rắc rối hơn rất nhiều so với việc đối đầu với mẹ chồng và sau này có thể sẽ phải cả với chồng.

Ngoài ra, việc hiểu rõ sự bao bọc che chở của mẹ đối với con trai sẽ giúp nàng dâu giải quyết được rất nhiều trắc trở. Như việc vợ chồng cãi nhau vốn là chuyện bình thường nhưng không nên để mẹ chồng biết bởi từ những mâu thuẫn vợ chồng nho nhỏ, qua ánh mắt của mẹ chồng sẽ thành chuyện lớn và có những can thiệp không cần thiết. Hay như việc vợ muốn chiếm hữu nhiều thời gian của chồng vốn là chuyện bình thường khi yêu nhau nhưng khi về sống trong một gia đình, hành động đó có thể làm mẹ chồng khó chịu. Đòi hỏi nàng dâu và chồng có cách ứng xử khéo léo, vừa giữ gìn tình cảm vợ chồng, lại để mẹ chồng đừng có cảm giác nàng dâu kiểm soát con mình quá nhiều.

Cũng vì nguyên nhân chính dẫn đến mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu thường liên quan đến việc “cảm giác mất con” của người mẹ nên một trong các giải pháp xử lý được xem là hiệu quả nhất là ra ở riêng. Mỗi gia đình một nhà làm giảm đi sự để ý của mẹ chồng từ đó cũng giảm đi những mâu thuẫn. 

Tuy nhiên, ngay cả trong trường hợp này, các nàng dâu cũng được khuyên vẫn phải khéo léo trong quan hệ với mẹ chồng nhất là khi về thăm bà hay bà lên chăm cháu bởi người chồng tuy có thể chiều vợ nhất thời nhưng nếu quan hệ căng thẳng kéo dài rất dễ dẫn đến phản ứng ngược của người chồng từ đó làm đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Tin cùng chuyên mục