Sau khi lắng nghe các ý kiến, kết luận tại Hội nghị toàn quốc “Thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia (NSW), Cơ chế một cửa ASEAN (ASW) và tạo thuận lợi thương mại” diễn ra ngày 24-7 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Tài chính khẩn trương hoàn thiện, trình Nghị định và Kế hoạch hành động của Chính phủ thúc đẩy, tạo thuận lợi thương mại để sớm ban hành.
Trong Nghị định và Kế hoạch hành động, phải thể hiện tinh thần chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm; ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn đánh giá minh bạch và công khai; không ôm giữ những điều kiện không cần thiết, để giải phóng sức sản xuất.
Bên cạnh đó, theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng cần lưu ý “vế thứ 2” của vấn đề là nhiệm vụ kiểm soát, chống gian lận thương mại, buôn lậu, bảo vệ sức khỏe người dân, kể cả đối với hàng xuất và hàng nhập. Do đó, không thể thiếu chế tài xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm về an toàn thực phẩm, gian lận thương mại.
“Bộ, ngành nào không được biểu dương hôm nay tức là bộ, ngành đó còn gây phiền hà cho sản xuất, kinh doanh, chưa thực hiện tốt chủ trương mà Chính phủ giao cho các ngành. Tôi yêu cầu các ngành, các cấp phải cộng tác, chung tay cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn nữa, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ thúc đẩy phát triển và tăng trưởng bền vững, đặc biệt thực hiện tốt Nghị quyết 01 và 19 của Chính phủ”, Thủ tướng nhắc nhở.
Sau Hội nghị này, Ủy ban 1899 cần chỉ đạo Bộ Tài chính tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, nghiêm túc tiếp thu, khẩn trương hoàn thiện 2 dự thảo văn bản nêu trên, trình Thủ tướng phê duyệt Kế hoạch hành động trong tháng 8 và trình Chính phủ ban hành Nghị định về thúc đẩy NSW, ASW, tạo thuận lợi thương mại trong tháng 9. Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban 1899, Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan thường xuyên quan tâm chỉ đạo, giám sát việc thực hiện NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại trên địa bàn địa phương mình.
Trước đó, phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Ủy Ban chỉ đạo quốc gia về ASW, NSW và tạo thuận lợi thương mại đánh giá các bộ, ngành, nhất là Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan đã có nhiều nỗ lực và thực hiện được một khối lượng công việc lớn liên quan đến thực hiện NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, việc triển khai NSW, ASW và kiểm tra chuyên ngành còn nhiều tồn tại, hạn chế. Trong lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, số lượng hàng hóa phải kiểm tra vẫn chiếm tỷ trọng lớn; hiệu lực kiểm tra chuyên ngành thấp, tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp (tính tới cuối năm 2017 là dưới 1%); số lượng văn bản quy phạm pháp luật phải sửa đổi, bổ sung còn tồn lại tương đối nhiều; việc chồng chéo, trùng lặp giữa các bộ, ngành trong kiểm tra chuyên ngành vẫn phổ biến.
Theo Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ ban hành ngày 1-1-2018, trong năm 2018, các bộ phấn đấu triển khai đủ 130 thủ tục hành chính theo kế hoạch; tiếp tục rà soát và bổ sung các thủ tục mới vào kế hoạch chung; chính thức kết nối ASW.
Về lĩnh vực kiểm tra chuyên ngành, phấn đấu giảm tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành từ 30-35% trên tổng số các lô hàng xuất nhập khẩu như hiện nay xuống còn 15%, nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, song vẫn phải bảo đảm hiệu quả trong quản lý Nhà nước, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, đến 15-7-2018, tổng số thủ tục kết nối NSW mới đạt 53 thủ tục, tương đương 21% tổng số thủ tục phải kết nối của các bộ, ngành (53/251 thủ tục). Cả nước có 23.000 doanh nghiệp thực hiện NSW.
Để đạt được các mục tiêu của Chính phủ và Ủy ban Chỉ đạo quốc gia về NSW, ASW và tạo thuận lợi thương mại, mới đây các bộ, ngành đã đăng ký từ nay đến hết năm 2018 sẽ kết nối thêm 143 thủ tục. Nếu đạt được mục tiêu đề ra, hết năm nay số lượng thủ tục thực hiện NSW sẽ nâng lên 196, chiếm 78% tổng số thủ tục phải thực hiện.
Về công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, đến tháng 6-2018, các bộ, ngành đã sửa đổi, bổ sung 81 văn bản (chiếm 93%), trong đó có 8 bộ đã hoàn thành là: Bộ Công Thương, Bộ KH&ĐT, Bộ KH&CN, Bộ LĐTB&XH, Bộ TT&TT, Bộ VHTT&DL, Bộ Xây dựng và Bộ Y tế.