Kỷ niệm 50 năm ngày Hiệp định Giơnevơ về Việt Nam (20-7-1954 – 20-7-2004)

Chuyện lá cờ Tổ quốc bên bờ vĩ tuyến 17

Chuyện lá cờ Tổ quốc bên bờ vĩ tuyến 17

Chuyện lá cờ Tổ quốc bên bờ vĩ tuyến 17 ảnh 1

Cầu Hiền Lương được phục chế.

Hiệp định Giơnevơ ký kết năm 1954, con sông Bến Hải - vĩ tuyến 17 ở Quảng Trị tạm thời trở thành ranh giới chia cắt đất nước. Theo qui định của Hiệp định Giơnevơ, tất cả các đồn công an giới tuyến đều được treo cờ Tổ quốc lên hàng ngày và lá cờ đỏ sao vàng Tổ quốc là biểu tượng thiêng liêng nhất. Chuyện về cột cờ và lá cờ là cuộc đấu tranh chính trị căng thẳng và không kém phần gian nguy giữa ta và địch suốt mấy chục năm trời giữa hai đầu cầu giới tuyến.

  • Cuộc chiến dựng cột cờ hai bên bờ Hiền Lương

Lần theo nguồn sử liệu, trong những năm từ 1954 - 1956 các chiến sĩ của ta làm cột cờ bằng một cây phi lao có chiều cao 12m và treo cờ Tổ quốc khổ 3,2m x 4,8m. Khi lá cờ của ta tung bay làm nức lòng của đồng bào hai miền thì Pháp cắm cờ tam tài lên nóc lô cốt Xuân Hòa ở bờ Nam cao 15m.

Theo yêu cầu của đồng bào giới tuyến “Cờ ta phải cao hơn, đẹp hơn cờ địch” nên các chiến sĩ an ninh vũ trang lặn lội vào rừng sâu tìm được cây gỗ cao 18m về thay cột cờ cũ, trên đỉnh treo lá cờ 24m2 ngày ngày những người dân dọc sông Bến Hải luôn luôn mắt dõi theo về lá cờ Tổ quốc và đặt trọn niềm tin về ngày mai chiến thắng.

Hốt hoảng trước cảnh đồng bào miền Nam thường tổ chức chào cờ Tổ quốc khi đi làm đồng hoặc lên nương rẫy, ngay sau đó Ngô Đình Diệm cho dựng trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam và trên đỉnh cho treo một lá cờ ba sọc cỡ lớn, có hệ thống đèn nêông nhấp nháy đủ màu để thách đố. Chúng còn cho loa chiến tranh tâm lý chõ sang bờ Bắc khiêu khích suốt đêm ngày. Được Trung ương giúp đỡ vào tháng 7-1959 các chiến sĩ công an vũ trang dựng cột cờ bằng ống thép cao 34,5m. Trên đỉnh gắn một ngôi sao vàng 5 cánh bằng đồng có đường kính 1,2m.

Trên 5 đỉnh ngôi sao đều gắn những chùm bóng điện loại 500w (15 bóng) với lá cờ 108m2. Khi Mỹ-ngụy tiếp tục cho làm lại cột cờ của chúng cao 35m, chính phủ đã điều một đơn vị xây dựng chở vật liệu từ Hà Nội vào xây dựng lại cột cờ cao 38,6m, treo lá cờ đại 134m2, nặng 15kg. Lá cờ đỏ sao vàng như sự hiện diện thường xuyên của miền Bắc XHCN ngay sát bên cạnh miền Nam đang kiên cường đấu tranh với Mỹ - Diệm. 

  • Người chiến sĩ may, vá cờ Tổ quốc

Ông Nguyễn Đức Lãng sinh năm 1940 ở Cam Lộ - Quảng Trị, năm tuổi 15 cũng là lúc dòng sông Bến Hải quê ông trở thành giới tuyến tạm thời cắt chia nước non. Ông quyết một lòng xin cha mẹ để hòa vào dòng người làng quê tòng quân lên đường theo kháng chiến. Vượt tuyến ra Bắc rồi 4 năm sau ông được phiên về Công an vũ trang Vĩnh Linh, công tác ở Ban hậu cần. Lúc này nhiệm vụ cấp trên giao cho ông là đi nhận cờ Tổ quốc ở Quân khu 4 về cho đồng đội treo lên trên cột cờ Hiền Lương.

Lá cờ treo trên độ cao 42m với khổ cờ rất lớn 96m2 nên rất dễ bị gió mưa làm rách và cứ vài ngày lại thay lá khác. Để có cờ treo liên tục 24/24 từ năm 1959 đến 1961 ông Lãng thường xuyên một mình đi nhận cờ. Ông Lãng kể, mỗi lần kéo cờ lên là phải cuốn thành một hình khối, nếu không một tiểu đội cũng không thể kéo nổi bởi lá cờ khi thấm nước mưa nặng gần cả trăm ký. 

Khi cuộc chiến dựng cột cờ của ta đã chiến thắng, ông nghĩ phải sản xuất cờ tại chỗ nên đề nghị cấp trên cấp cho ông một chiếc máy may và các vật dụng khác. Đáp ứng nguyện vọng ấy ông được cấp ngay một chiếc máy may. Khi trở về đơn vị ông bắt đầu tự mình mày mò ngồi may cờ. Sau hơn một tuần lễ thức trắng đêm nghiên cứu, cắt, vẽ, xóa đi làm lại, cuối cùng ông đã may được lá cờ.

“Ngày may được lá cờ đầu tiên, tui sướng lắm, đồng đội tui mừng đến chảy nước mắt và từ đó nghề may cờ đã theo suốt cuộc đời tui trong kháng chiến” - ông Lãng cho biết. Vào mùa gió Lào (gió Tây-Nam) và gió mùa Đông-Bắc, cờ luôn bị gió, mưa đánh rách, có ngày phải thay 2 lá, nên công việc may, vá cờ một mình ông phải làm suốt ngày đêm mới đảm bảo. 

Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn Bình - Phó Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Quảng Trị cho hay, dự án tôn tạo cụm di tích đôi bờ Hiền Lương đã được Chính phủ phê duyệt, một số hạng mục thi công đã hoàn thành như cầu Hiền Lương, nhà truyền thống, cổng chào phía bờ Bắc...

Riêng cột cờ, lá cờ ngày ấy là một trong những hạng mục trọng điểm phía bờ Bắc sẽ vừa phục hồi, vừa tôn vinh gọi là kỳ đài cao trên 40m (gồm hai phần: đài và kỳ), dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30-4-2005 để kịp kỷ niệm 30 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

HỮU HOÀNG

Tin cùng chuyên mục