1. Năm 2009, tôi được tham dự chương trình tập huấn và trao đổi với những nhà làm sân khấu ở các quốc gia khác trên thế giới tại Ấn Độ. Đến sân bay, chúng tôi được các nhân viên hải quan kiểm tra giấy tờ. Khi biết chúng tôi đến từ Việt Nam, vẻ mặt thiện cảm đã hiện lên trên gương mặt những nhân viên hải quan. Khi được hỏi đến từ đâu ở Việt Nam, tôi nói: “Từ thành phố Hồ Chí Minh”, nhân viên hải quan đôi mắt sáng lên, lặp lại: “Hồ Chí Minh?”. Tôi gật đầu. Thủ tục cho chúng tôi vì thế cũng được làm nhanh, gọn hơn.
Chúng tôi được đưa về trung tâm thành phố Kolkata (Calcutta) của bang Tây Bengal, xem các chương trình biểu diễn, tham quan các nhà hát, dự những buổi tọa đàm với các chuyên gia làm sân khấu cho trẻ em quốc tế. Dù có nhiều quốc gia tham gia đợt tập huấn này, nhưng mỗi khi giới thiệu đoàn Việt Nam thì chúng tôi luôn nhận được sự đón chào nồng nhiệt của những người dân và các em học sinh. Hỏi ra mới biết ở Ấn Độ, nhất là vùng Kolkata thì lịch sử Việt Nam, đặc biệt là những câu chuyện về Bác Hồ được nhiều giáo viên thường xuyên dạy và kể cho trẻ em trong các trường học. Đặc biệt hơn, ở công viên trung tâm của Kolkata có bức tượng bán thân của Chủ tịch Hồ Chí Minh và một con đường mang tên Bác. Hôm sau chúng tôi đến tham quan con đường này. Nhờ những người bạn Ấn Độ, chúng tôi đặt lẵng hoa và tổ chức dâng hương, dâng hoa tại tượng Bác; càng tự hào hơn khi cùng trong công viên này có tượng của Mahatma Gandhi (nhà lãnh đạo, vị anh hùng dân tộc vĩ đại của Ấn Độ).
2. Chiều hôm đó, chúng tôi được đưa đến làng Kalihat, cách trung tâm Kolkata chừng 2 tiếng chạy xe. Buổi tối, chúng tôi được mời giao lưu với người dân trong làng. Sau những câu chuyện xã giao ban đầu, những tiết mục văn nghệ là những câu chuyện đậm nghĩa tình hai đất nước Việt Nam - Ấn Độ, nhất là những câu chuyện về Bác Hồ mà lần đầu tiên chúng tôi được nghe kể bởi những người dân Ấn Độ. Trong câu chuyện của các vị “già làng”, họ luôn kể về Bác với một lòng kính trọng, với sự tự hào từ sâu trong tâm khảm. Họ tự hào vì đây là nơi Bác Hồ đã đặt chân đến đầu tiên trên đường đi Pháp. Họ kể về những ký ức mà người dân ở thủ đô Kolkata vẫn lưu giữ khi Bác Hồ đến đây nói chuyện trước hàng ngàn người dân vào năm 1958; việc người dân Kolkata đã đề nghị chính quyền đặt tên con đường Hồ Chí Minh như thế nào; trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, nơi đây đã từng diễn ra nhiều cuộc xuống đường ủng hộ nhân dân Việt Nam ra sao... Thỉnh thoảng, họ lại hỏi: “Là lãnh tụ mà tại sao Hồ Chí Minh lại giản dị như vậy?”. Cứ thế, những câu chuyện kể về Bác Hồ, về Đại tướng Võ Nguyên Giáp, về Điện Biên Phủ được họ kể như kể về chính lịch sử của đất nước họ.
Những câu chuyện kể về Bác Hồ vẫn còn rất dài, rất cảm động, nhưng đêm đã khuya, chúng tôi đành tạm biệt Kolkata trong tiếc nuối. Trong đêm ấy, bài hát “Như có Bác trong ngày vui đại thắng” đã được những nghệ sĩ Việt Nam và người dân ở làng Kalihat cất lên, lặp đi lặp lại không biết bao nhiêu lần cho đến khi chiếc xe đưa chúng tôi ra khỏi ngôi làng.
Sau chuyến đi ấy, tôi được đạo diễn là giám đốc một nhà hát dành cho trẻ em ở Ấn Độ nhận làm “con nuôi”. Ngày Đại tướng Võ Nguyên Giáp về cõi vĩnh hằng, tôi gửi thư cho ông và ông đã viết rằng: “Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp không bao giờ chết…!”.
Đến nay, những câu chuyện mà người dân Kolkata kể về Bác Hồ vẫn luôn được tôi kể cho các sinh viên của mình nghe. Những câu chuyện có thật với những tình cảm chân thành và sự trân quý nhất!