Cả hai sự kiện đều có tầm quan trọng lớn đối với chiến lược chính sách đối ngoại của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đưa Nhật Bản ra khỏi sự cô lập, xây dựng một hình ảnh mạnh mẽ và rõ ràng hơn cho nước này trên trường quốc tế.
Theo các chuyên gia ở Viện Khoa học và Chính trị Đức, quan hệ chặt chẽ giữa Nhật Bản và Mỹ đã phần nào thay đổi từ khi ông Donald Trump đắc cử tổng thống. Mặc dù Nhật Bản vẫn phụ thuộc vào Mỹ, nhưng những bất ổn kinh tế với Mỹ cũng mang đến cho Nhật Bản cơ hội hợp tác chặt chẽ hơn với châu Á và châu Âu.
Hồi năm 2018, Nhật Bản đã đạt được những thành công lớn thông qua việc cứu vãn Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sau khi Mỹ rút và đổi tên TPP thành CPTPP, có hiệu lực từ ngày 30-12-2019. Tháng 7-2018, Nhật Bản và EU đã ký JEFTA, có hiệu lực vào ngày 1-2-2019. Với CPTPP và JEFTA, Nhật Bản đang có một bước ngoặt trong chính sách thương mại của mình. Quan hệ Trung - Nhật cũng đã được cải thiện phần nào vào năm 2018 sau thời kỳ băng giá, một phần do tranh chấp thương mại Mỹ - Trung đã kéo Tokyo và Bắc Kinh lại gần nhau hơn.
Đối với Triều Tiên, khác với thái độ cứng rắn bấy lâu nay, trong những tháng gần đây, ông Abe đã đưa ra tín hiệu sẵn sàng đối thoại cá nhân với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một mục tiêu cốt lõi khác trong chính sách đối ngoại của ông Abe là chấm dứt tranh chấp lãnh thổ ở 4 hòn đảo thuộc quần đảo Nam Kuril hiện do Nga kiểm soát, và đàm phán hiệp ước hòa bình với Moscow. Với Ấn Độ, nhìn chung, hai nước có rất nhiều thế mạnh để hỗ trợ lẫn nhau về kinh tế, và bằng cách thắt chặt các mối quan hệ, một số thỏa thuận và đầu tư thương mại đã được thực hiện và dự kiến sẽ tiếp tục phát triển. Tương tự, quan hệ Nhật Bản - Australia cũng đang được thắt chặt thông qua Thỏa thuận hợp tác và an ninh song phương Nhật Bản - Australia cùng các cuộc tham vấn thường niên “2+2” giữa bộ trưởng quốc phòng và ngoại trưởng hai nước.
Khu vực Đông Nam Á là một thách thức lớn đối với Thủ tướng Abe trong việc định hình chính sách ngoại giao và an ninh của Nhật Bản. Theo tuần báo Pháp Réforme, thập niên qua, số chuyến thăm ngoại giao cấp cao của Nhật Bản cũng tương đương với Trung Quốc. Tuy nhiên, dù ông Abe là Thủ tướng Nhật Bản đầu tiên đến thăm 10 nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), nhưng chính sách hợp tác quốc phòng của ông tập trung chủ yếu vào 3 nước là Việt Nam, Myanmar và Philippines. Ở Nam Á, ngoại giao của Nhật thể hiện qua hàng tỷ USD cam kết đầu tư. Ở Trung Á, Nhật có lợi thế vì “không quan tâm” tới địa chính trị nơi này, trong khi phương Tây tự xem mình là đối thủ của Nga…
Có thể nói, Thủ tướng Abe đã và đang cố gắng giúp Nhật Bản có một nền ngoại giao rõ ràng hơn thông qua việc duy trì quan hệ song phương phản ánh tính liên tục của chính sách đối ngoại mới. Việc củng cố quan hệ song phương với Trung Quốc, giải quyết vấn đề hạt nhân với Triều Tiên và hiệp ước hòa bình với Nga, phát triển quan hệ với các nước láng giềng ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Đông Nam Á, Australia, Ấn Độ) chính là phương tiện để Nhật Bản đạt được mục tiêu này.