Trước đó, bên lề chuyến thăm Uzbekistan, quan chức này cho hay, Nga và Trung Quốc sẽ sớm ký các thỏa thuận về việc cung cấp 50 tỷ m3 khí đốt mỗi năm qua đường ống Sức mạnh Siberia 2 trong tương lai. Khối lượng này gần như ngang bằng công suất vận chuyển tối đa của Dòng chảy phương Bắc 1 (55 tỷ m3).
Đường ống Sức mạnh Siberia 2 dự kiến khởi công vào năm 2024, đưa khí đốt từ bán đảo Yamal khổng lồ ở Tây Siberia (nguồn cung cấp khí đốt chính cho châu Âu) đến Trung Quốc - nước tiêu thụ năng lượng hàng đầu thế giới và tiêu thụ khí đốt ngày càng tăng. Đường ống dài 2.600km, đi qua Mông Cổ đến khu vực Nội Mông, phía Bắc Trung Quốc, không xa các trung tâm dân cư lớn như Bắc Kinh.
Nga đã đề xuất lộ trình này từ nhiều năm trước và giờ đây kế hoạch đã trở nên cấp thiết hơn. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán sẽ rất phức tạp, vì theo các chuyên gia, Trung Quốc dự kiến sẽ dư khí đốt ở giai đoạn sau năm 2030. Hiện Gazprom cung cấp khí đốt cho Trung Quốc thông qua đường ống Sức mạnh Siberia 1 theo thỏa thuận đạt được vào cuối năm 2019 trị giá 400 tỷ USD, kéo dài 30 năm với công suất vận chuyển sẽ đạt 20 tỷ m3 mỗi năm trong thời gian tới. Ngoài ra, còn nhiều đường ống dẫn dầu và khí đốt từ Trung Á tới Trung Quốc.
Trung Quốc có được khả năng tiếp cận với năng lượng giá rẻ hơn trong khi Nga có thể dựa vào Trung Quốc bù đắp thiệt hại từ việc Liên minh châu Âu và các nước khác thu hẹp mua khí đốt của Nga do các lệnh cấm vận Moscow. Bắc Kinh đã nhập khẩu thêm 17% dầu thô của Moscow từ tháng 4 đến tháng 7-2022 so với cùng kỳ năm 2021. Trung Quốc cũng đã mua thêm hơn 50% khí đốt hóa lỏng và 6% than từ Nga trong cùng thời gian.
Ông Saul Kavonic, chuyên gia nghiên cứu tài nguyên và năng lượng tích hợp của Ngân hàng Credit Suisse, cho rằng, Trung Quốc đang tận dụng lợi thế của dòng chảy thương mại bị gián đoạn giữa Nga và phương Tây.