Tại Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc năm 2023 (COP28) ở Dubai, cộng đồng quốc tế đã đồng ý tiến tới ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Tuy nhiên, 96% nhà sản xuất dầu khí vẫn đang thăm dò và phát triển trữ lượng dầu khí mới cũng như tăng chi tiêu vốn hàng năm cho hoạt động thăm dò dầu khí.
Theo Urgewald, các nhà đầu tư lĩnh vực năng lượng hóa thạch đang đẩy thế giới đi xa mục tiêu khí thải CO2 bằng 0. Theo đánh giá của Urgewald, 8 trong số 10 nhà đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực nhiên liệu hóa thạch là ở Mỹ. Đứng đầu là nhà quản lý tài sản lớn nhất thế giới Vanguard với 413 tỷ USD và Blackrock với 400 tỷ USD.
Các quỹ đầu tư quốc gia của Nhật Bản và Na Uy cũng nằm trong tốp 10. Riêng các nhà đầu tư của Mỹ nắm giữ tổng cộng 2,8 ngàn tỷ USD tại các công ty nhiên liệu hóa thạch ở 62 quốc gia và chiếm 65% tổng vốn đầu tư của tổ chức vào các công ty nhiên liệu hóa thạch.
Theo các nhà hoạt động môi trường, so với châu Âu, Mỹ chưa có những quy định chặt chẽ để ngăn chặn hoặc hạn chế đầu tư vào lĩnh vực năng lượng hóa thạch. Chính vì vậy, các nhà đầu tư Mỹ vẫn nắm giữ nhiều cổ phần trong các công ty nhiên liệu hóa thạch. Những người hưởng lợi lớn nhất từ khoản đầu tư này cũng là các công ty Mỹ, như Exxon Mobil, Chevron và Conoco-Phillips.
Bà Katrin Ganswindt, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu tài chính tại Urgewald, cảnh báo: “Nếu các nhà đầu tư tổ chức tiếp tục hỗ trợ mở rộng các công ty than, dầu mỏ và khí đốt thì việc thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch đúng lúc là không thể”.
Các nhà khoa học khí hậu từ lâu đã cảnh báo rằng việc loại bỏ nhanh chóng nhiên liệu hóa thạch là hy vọng duy nhất để giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu làm gia tăng nhiệt độ toàn cầu. Bà Katrin Ganswindt kêu gọi vạch ra ranh giới đỏ để ngăn chặn việc mở rộng đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch.