Phổ cập miễn phí
Giáo dục ở nước Đức không bị thương mại hóa. Giáo dục mầm non và phổ thông là bắt buộc với học sinh. Bắt đầu khi người mẹ mang thai đã đăng ký nhà trẻ ở gần nhà để giữ chỗ cho đứa con sắp chào đời, và khoảng 16 tháng tuổi là đến lớp mầm non. Bậc tiểu học từ lớp 1 đến lớp 4, hầu như các phụ huynh sẽ đăng ký cho con học ở trường gần nhà để tiện đi lại. Nếu tan học sớm mà bố mẹ đi làm chưa về, trẻ em dưới 10 tuổi không được tự ở nhà một mình nên phụ huynh có thể đăng ký gửi con ở phòng sinh hoạt chung của trường, gọi là hort. Dịch vụ trông trẻ sau giờ học này cũng miễn phí.
Sau lớp 4, tùy theo mục đích học tập và sở thích nghề nghiệp của từng học sinh mà trẻ có thể lựa chọn loại trường phổ thông nào để học tiếp. Hệ thống trường phổ thông ở Đức có hai loại trường chính là Realschule và Gymnasium. Còn một loại trường nữa là Hauptschule dành cho các học sinh điểm quá kém, không theo nổi hai loại trường chính kia và để học sinh học nghề ngay từ lớp 5, đến lớp 9 là có thể học nghề chuyên nghiệp và vừa học vừa làm. Realschule là kiểu trường vừa học vừa làm, không cần thi lấy bằng tốt nghiệp. Nhưng nếu học sinh Realschule sau này muốn học đại học thì phải học bổ túc ngoài giờ ở trường Gymnasium khoảng 2 năm, thi lấy bằng Abitur tốt nghiệp cấp 3 để được xét đi học đại học.
Rất nhiều học sinh chọn học Realschule để những năm đầu đời của mình không phải bù đầu bận óc vì học tập và có thể đi làm luôn ngay từ năm 17-18 tuổi, có thể về hưu trước tuổi do đã đủ năm làm việc và hưởng lương hưu khá cao do thâm niên. Hệ thống trường Gymnasium bắt đầu từ lớp 4 hoặc 5, cho những học sinh sau này muốn học ở các trường đại học- University và cao hơn, làm tiến sĩ, tiến sĩ khoa học, sau tiến sĩ...
Kết thúc trường Gymnasium bằng kỳ thi tốt nghiệp lớp 12 gọi là Abitur. Điểm tốt nghiệp xét trên điểm trung bình 3 năm học cuối và điểm thi tốt nghiệp các môn mình chọn chuyên ban (ví dụ Toán, Văn, Vật lý, Ngoại ngữ, Âm nhạc...). Học sinh phổ thông các năm cuối cấp được chọn các môn tự chọn theo ý mình, không cần ôn thi.
Mỗi bang ở Đức lại có chính sách giáo dục riêng. Sách giáo khoa và sách tham khảo cũng theo quy định từng bang. Nếu điểm số môn học nào đó của học sinh quá kém, bị điểm 5 hoặc thậm chí 6 (thang điểm từ 6-1) thì giáo viên bộ môn sẽ cho học sinh viết bài luận để cải thiện điểm số. Với đại chúng thì một xã hội công bằng, bình đẳng, tự do, tôn trọng quyền cá nhân, riêng tư ở nước Đức rất ổn nhưng với người có khả năng xuất chúng thì khó lòng bật lên được.
Đại học chuyên sâu
Châu Âu có các cơ sở giáo dục đại học với lịch sử lâu đời. Tuy nhiên khi sinh viên quốc tế so sánh các lựa chọn của họ, họ sẽ nhận thấy sự khác biệt về loại trường học và chương trình được cung cấp. Tại một điểm đến nổi tiếng của châu Âu là Anh, sinh viên sẽ tìm thấy các trường đại học có mối liên hệ chặt chẽ với kinh doanh và công nghiệp nằm trên 4 quốc gia, từ trung tâm thành phố đến cao nguyên Scotland. Sinh viên quốc tế theo nền giáo dục ở châu Âu sẽ có cơ hội học được thêm một ngôn ngữ bản địa, như tiếng Pháp, tiếng Tây Ban Nha chẳng hạn.
Các trường đại học châu Âu, đặc biệt là ở phần Đông Bắc châu lục, thường có chỗ ở trong khuôn viên trường. Tuy nhiên không có văn hóa học xá mạnh mẽ, vì vậy sinh viên có xu hướng sống hòa nhập hơn với cuộc sống, văn hóa đô thị. Sinh viên cũng có thể chọn nhà ở gần trường và được cung cấp rộng rãi. Hầu hết các trường đại học châu Âu tập trung vào một lĩnh vực nghiên cứu cụ thể. Do đó, sinh viên được đào tạo thường có thể hoàn thành bằng cấp của mình với một chủ đề cụ thể trong 3 năm.
Ưu điểm về thời gian học ngắn hơn nên giáo dục ở châu Âu cũng giúp giảm chi phí học tập và tạo cơ hội tham gia các khóa học sau đại học hoặc tiếp cận được thị trường việc làm sớm hơn. Ngoài ra, các đại học châu Âu định hướng cho sinh viên đăng ký vào một chương trình cấp bằng cụ thể và bắt đầu ngay lập tức vào lĩnh vực nghiên cứu mình đã chọn. Một điều không kém phần quan trọng đó là mức độ an toàn. Cho đến nay, các thành phố ở châu Âu vẫn được đánh giá là lựa chọn tốt cho mức độ an toàn của sinh viên quốc tế.