Dưới cái nắng oi nồng của những ngày giữa tháng 5, các NS, ca sĩ đã cùng đốt những bó nhang, lặng lẽ chia nhau thắp cho những ngôi mộ liệt sĩ ở Nghĩa trang liệt sĩ Rừng Sác Cần Giờ. Nơi đây hiện có 1.214 ngôi mộ liệt sĩ hy sinh thời chống Pháp và chống Mỹ, trong đó, có 87 ngôi mộ vẫn chưa có thông tin, nhiều ngôi mộ chỉ vỏn vẹn một dòng họ tên mà không có năm hy sinh, quê quán. Các anh hùng liệt sĩ đến từ nhiều tỉnh thành, trải dài từ Bắc chí Nam. Dẫu nơi sinh có khác nhau, nhưng những người chiến sĩ quả cảm, kiên định đã chọn địa danh rừng Sác để cùng sát cánh chiến đấu, vượt bao gian khổ, khó khăn, vất vả, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh, nhất định phải tranh đấu cho lý tưởng, cho niềm tin tương lai: đất nước hòa bình, giải phóng, thống nhất. Trong cuộc chiến khốc liệt và chính nghĩa ấy, khi hòa bình còn chưa lập lại, nhiều chiến sĩ trẻ đã ngã xuống và nằm lại mãi mãi nơi mảnh đất thiêng liêng này.
Những cảm xúc về bao tấm gương anh dũng hy sinh, quên mình trong lửa đạn đã khơi gợi những rung cảm sâu lắng cho từng NS, ca sĩ đến viếng nghĩa trang. Không chỉ thế, trong chuyến đi, các NS, ca sĩ trẻ còn được dịp lắng nghe những chia sẻ đầy tâm huyết của một số NS cựu trào, lão thành như NS Trần Long Ẩn, NS Phan Long, Phó Giáo sư - NS Thế Bảo, NS Nguyễn Văn Sanh, NS Trần Hữu Bích… về những kỷ niệm hoạt động nghề nghiệp, cùng toàn quân, toàn dân tích cực tham gia trong các phong trào đấu tranh chống Pháp, chống Mỹ cứu nước. Dẫu thời gian ngắn ngủi, chỉ trong ngày, nhưng chuyến đi đã tạo điều kiện để các NS nhiều thế hệ và các ca sĩ trẻ có dịp cùng ôn lại bao giai đoạn lịch sử của cả dân tộc.
Hy vọng những góp nhặt cảm xúc có được từ chuyến đi, sẽ giúp các NS tư duy, sáng tác nên nhiều tác phẩm có ý nghĩa, có giá trị tư tưởng và nghệ thuật, góp phần làm đa dạng, sinh động những tác phẩm âm nhạc truyền thống cách mạng, phù hợp với thời đại.