Tháo gỡ nhiều nút thắt
Phó Thủ tướng Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 247/QĐ-TTg ngày 6-2-2025 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TW ngày 4-5-2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp (GDNN) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Kế hoạch đưa ra 11 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động, ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội đối với công tác đổi mới, phát triển, nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới, góp phần quan trọng trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng sức cạnh tranh quốc gia, tạo động lực cho phát triển bền vững của đất nước.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong Quyết định số 247/QĐ-TTg là hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách đổi mới, phát triển GDNN. Trong đó, nhấn mạnh về việc rà soát, tổng kết, đánh giá việc thực hiện pháp luật về GDNN làm cơ sở để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện Luật GDNN trong nhiệm kỳ 2026-2030 và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Đồng thời đề cập đến nhiệm vụ nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước; đánh giá và kiểm định chất lượng GDNN... Đặc biệt là tiếp tục rà soát, sắp xếp, tổ chức lại hệ thống cơ sở GDNN.
Trước đó, trong buổi làm việc với Bộ LĐTB-XH về việc thực hiện kế hoạch sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy khi Bộ GD-ĐT được giao tiếp nhận Tổng cục GDNN (thuộc Bộ LĐTB-XH), Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, trên cơ sở thống nhất của các đơn vị, Bộ GD-ĐT đã giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, phối hợp với Tổng cục GDNN, Vụ GDTX và các đơn vị liên quan xây dựng đề án tổ chức lại Tổng cục GDNN thành Cục GDNN và GDTX. Song song đó, xây dựng đề án sáp nhập Vụ GDTX vào Cục GDNN và GDTX. Sau đó, các đơn vị nêu trên xây dựng dự thảo quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục GDNN và GDTX, trình Ban Cán sự đảng Bộ GD-ĐT.
Theo TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT), việc chuyển GDNN từ Bộ LĐTB-XH về Bộ GD-ĐT quản lý sẽ bảo đảm sự đồng bộ, liên thông từ giáo dục mầm non, phổ thông, thường xuyên, nghề nghiệp đến giáo dục đại học. Qua đó nâng cao tính chịu trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để đào tạo có chất lượng và hiệu quả; đảm bảo công tác phân luồng, tuyển sinh, liên thông diễn ra liền mạch, mang lại lợi ích cho người học.
Tiếp tục nâng cấp trường nghề
Các chuyên gia về lĩnh vực GDNN cho rằng, việc chuyển lĩnh vực GDNN từ Bộ LĐTB-XH sang Bộ GD-ĐT quản lý mở ra những cơ hội lớn để đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Sự thay đổi này không chỉ nhằm thống nhất hệ thống giáo dục quốc gia, mà còn tạo điều kiện để GDNN tiếp cận tốt hơn với các chính sách đồng bộ, từ quản lý, hạ tầng đến phát triển nguồn nhân lực.
Ở góc độ đào tạo, ThS Trần Thanh Hải, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Viễn Đông, nêu ý kiến: việc đảm bảo chất lượng đào tạo hiện nay là vấn đề sống còn của các cơ sở GDNN, nên việc trường nghề thuộc Bộ LĐTB-XH hay Bộ GD-ĐT đều có khó khăn mà không phải ngay lập tức có thể tháo gỡ được. Điều quan trọng đối với các cơ sở GDNN là việc người học, xã hội đánh giá như thế nào.
TS. Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN, cho biết, tổng cục đã và đang thực hiện nghiêm việc phối hợp với các đơn vị liên quan của Bộ GD-ĐT để công tác sáp nhập diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Về những công việc tiếp nối trong giai đoạn chuyển giao này, tổng cục tiếp tục đẩy nhanh việc sắp xếp, tinh gọn trường nghề cũng như công tác đánh giá và kiểm định chất lượng GDNN theo Quyết định số 247/QĐ-TTg.
“Chúng tôi rất phấn khởi khi mới đây, nhà trường đạt 96/100 tổng điểm kiểm định chất lượng cơ sở GDNN. Đây là sự khẳng định “thương hiệu” của trường đối với người học và xã hội. Qua đợt kiểm định này, nhà trường tiếp thu được nhiều vấn đề để tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng của trường”, ThS Trần Thanh Hải nói. Cụ thể, Trường Cao đẳng Viễn Đông TPHCM tiếp tục tiến hành rà soát toàn diện các yếu tố bảo đảm chất lượng của cơ sở GDNN, đồng thời sẵn sàng đồng bộ phương thức và hệ thống quản lý chất lượng với Bộ GD-ĐT, đáp ứng các yêu cầu liên quan đến quản lý chương trình đào tạo, đánh giá và kiểm định chất lượng...
TS. Đồng Văn Ngọc, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện Hà Nội, đánh giá, thời gian qua, các cơ sở GDNN, nhất là cơ sở đào tạo nhân lực có tay nghề chất lượng cao, đã có nhiều khởi sắc. Nhiều trường được đầu tư bài bản, tiệm cận với GDNN của các nước phát triển. Có không ít sinh viên Việt Nam dự thi kỹ năng nghề quốc tế ở cấp khu vực ASEAN hay thế giới đã đạt được kết quả cao là những minh chứng rõ ràng nhất.
“Khi trực thuộc Bộ GD-ĐT, chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho GDNN để đóng góp nguồn nhân lực chất lượng cao cho doanh nghiệp và xã hội. Đồng thời, khi giải quyết được vấn đề liên thông và phân luồng, cơ sở GDNN sẽ thuận lợi hơn trong tuyển sinh, có nguồn đầu vào cao hơn”, TS. Đồng Văn Ngọc bày tỏ.