PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, cho biết từ năm 2010 đến nay, các bệnh viện tuyến trên đã thực hiện công tác chỉ đạo tuyến cho các tuyến dưới với những hoạt động thiết thực như: chỉ đạo chuyên môn, kỹ thuật cho tuyến dưới; quản lý thông tin chuyển tuyến; đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới theo các đề án 1816, đề án bệnh viện vệ tinh; kiểm tra, giám sát hoạt động chuyên môn cho tuyến dưới....
Đến nay đã có gần 9.000 lượt cán bộ đi hỗ trợ tuyến dưới, chuyển giao 4.689 kỹ thuật và hầu hết các kỹ thuật được đánh giá là thực hiện tốt, bệnh viện tuyến dưới làm chủ được kỹ thuật. Trực tiếp khám chữa bệnh cho gần 5 triệu người bệnh và thực hiện gần 2.000 ca phẫu thuật, cứu sống hàng ngàn người mắc bệnh hiểm nghèo (nếu đưa về tuyến trên thì nguy cơ tử vong cao).
Bên cạnh đó, kể từ khi triển khai đề án bệnh viện vệ tinh đã có 14 bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật khó như can thiệp tim hở, can thiệp mạch vành… cho các bệnh viện tuyến tỉnh, giúp người dân yên tâm hơn khi khám chữa bệnh tại địa phương. Đây cũng là hoạt động giúp giảm đáng kể luồng bệnh nhân đổ về tuyến cuối, giảm quá tải bệnh viện một số chuyên khoa như ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản nhi...
Tại TPHCM, theo BS Nguyễn Ngọc Duy, Trưởng phòng Nghiệp vụ y (Sở Y tế TPHCM), có 8 bệnh viện đóng vai trò hạt nhân, chỉ đạo, chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới gồm: Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Nhi đồng 2, Bệnh viện Ung bướu.
Cùng với đó, Bệnh viện Quận Thủ Đức trở thành bệnh viện hạt nhân, hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đắk Nông. Đến nay, các bệnh viện hạt nhân tại TPHCM đã hỗ trợ đào tạo cho 1.450 lượt cán bộ y tế, chuyển giao 785 kỹ thuật cho các bệnh viện tuyến tỉnh. Điều này đã giúp giảm khoảng 10% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân mỗi năm.