Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền có tốc độ lây lan nhanh. Ở Việt Nam, SXH phổ biến ở hầu hết các tỉnh thành trên cả nước. Theo Tổ chức Y tế thế giới, Việt Nam được liệt kê trong số các quốc gia có gánh nặng SXH nghiêm trọng nhất.
Các chuyên gia cảnh báo bệnh SXH đang phát triển để trở nên khó lường và nguy hiểm hơn vì nó không còn diễn biến theo chu kỳ mà mở rộng các vùng lưu hành bệnh.
Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Vaccine phòng bệnh đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi. Phòng, chống SXH hiện nay chủ yếu dựa vào phòng, chống véc-tơ và sự thay đổi hành vi, thói quen của người dân.
Tại tọa đàm, TS Hoàng Minh Đức, Cục trưởng Cục y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tại Việt Nam có 2 bệnh lưu hành trong công tác phòng, chống dịch mà ngành y tế rất quan tâm, đó là bệnh tay chân miệng và bệnh SXH, trung bình mỗi năm có khoảng 200.000 người mắc và khoảng 40 trường hợp tử vong. SXH tạo ra gánh nặng về kinh tế cho người dân rất lớn, mỗi người nhập viện tốn từ 6-10 triệu đồng, cộng với mỗi người nhập viện cần một số người nhà đi theo chăm sóc, tạo ra gánh nặng về kinh tế - xã hội rất lớn.
Theo PGS-TS-BS Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, SXH là bệnh nguy hiểm cho Việt Nam hơn 40 năm qua, đặc biệt là các tỉnh Nam bộ. Tại phía Nam, Bộ Y tế giao cho Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 và gần đây là Bệnh viện Nhi đồng TPHCM cùng với Bệnh viện Nhiệt đới TPHCM phụ trách công tác điều trị và huấn luyện cho các tỉnh ở phía nam về SXH ở người lớn và trẻ em.
Đặc điểm ở miền Nam là gần như là tất cả các lứa tuổi có thể mắc SXH. “Chúng tôi gặp những ca trẻ sơ sinh vừa lọt lòng mẹ đã có triệu chứng SXH do người mẹ bị nhiễm SXH trong lúc mang thai, trong lúc đang sinh. Ở miền Nam chiếm 60-70% trẻ dưới 15 tuổi bị SXH, ngược lại, ở các tỉnh miền Trung, miền Bắc thì người lớn lại chiếm số lượng nhiều. Những đối tượng như phụ nữ mang thai, trẻ sơ sinh dưới 12 tháng tuổi, trẻ có bệnh lý bẩm sinh, tim bẩm sinh, thiếu máu, hen suyễn hoặc người lớn suy thận là những nhóm đối tượng nguy cơ rất cao”, PGS-TS- BS Nguyễn Thanh Hùng cho biết.
Gần đây nhất là sau dịch Covid-19, năm 2022 cả nước hơn 370.000 trường hợp mắc SXH, đặc biệt là có 140 trường hợp tử vong, tập trung ở các tỉnh phía Nam. Điều đó tạo nên gánh nặng đối với toàn bộ hệ thống y tế phía Nam, thậm chí có những năm UBND các tỉnh ĐBSCL phải lập những khoa điều trị tạm thời - trưng dụng tất cả căng tin của bệnh bệnh viện để bệnh nhân SXH điều trị nội trú.
Theo GSTS Vũ Sinh Nam, cố vấn cao cấp về SXH, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Tổng Thư ký Hội Y học Dự phòng Việt Nam, hiện SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng. SXH gây ra bởi 4 type virus khác nhau và sự phát triển, đáp ứng miễn dịch của mỗi type là rất phức tạp. Do vậy, việc dự báo cũng như đáp ứng tình hình dịch do các type virus đang gây ra là rất khó khăn.
Theo ông Hoàng Minh Đức, bệnh SXH không đơn giản để kiểm soát. “Trước đây khi có Chương trình mục tiêu quốc gia, chúng ta đã kiểm soát cơ bản các vụ dịch. Tuy nhiên sau khi chương trình kết thúc, theo Luật Ngân sách, các địa phương bố trí ngân sách phòng, chống SXH nhưng khi không có chương trình cụ thể, chưa có vũ khí là vaccine thì vấn đề tuyên truyền, chỉ đạo cũng giảm bớt. Chính vì thế trong những năm gần đây, SXH gần như quay trở lại”, ông Hoàng Minh Đức cho biết.
Hiện nay, tại Việt Nam có vaccine phòng SXH của Takeda đã được Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế cấp phép lưu hành tại Việt Nam, đang được đưa vào chương trình tiêm ngừa dịch vụ.
Trả lời việc bao giờ thì vaccine SXH được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng để tiêm miễn phí cho người dân, ông Hoàng Minh Đức cho biết, hiện nay trong chương trình tiêm chủng mở rộng có 11 bệnh được tiêm vaccine miễn phí, gần đây nhất là bổ sung bệnh tiêu chảy, trong năm tới là vaccine HPV để phòng, chống ung thư cổ tử cung và vaccine về phế cầu. Theo kế hoạch, đến 2030, sẽ có 14 bệnh được tiêm chủng miễn phí.
Hiện tại, Bộ Y tế rất quan tâm 2 bệnh là tay chân miệng và SXH, tuy nhiên để có chương trình tiêm chủng mở rộng và tiêm bắt buộc, tiêm miễn phí thì phải có thêm thông tin, đánh giá tiếp, kể cả về chi phí của ngân sách. Vấn đề này vẫn trong quá trình đánh giá và báo cáo Chính phủ.