Chuyên gia Phan Chánh Dưỡng trò chuyện về “kinh nghiệm giáo dục và phát triển”

Ngày 31-8, tại Đường sách TPHCM, Công ty Phanbook tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Kinh nghiệm giáo dục và phát triển”. Khách mời là ông Phan Chánh Dưỡng, tác giả cuốn sách Nhàn đàm giáo dục.

Cách đây 2 năm, cuốn sách Ký ức theo dòng đời của tác giả Phan Chánh Dưỡng ra mắt và cho đến nay vẫn được độc giả nhiệt tình đón nhận. Trong cuốn hồi ký này, độc giả đã thấy bức chân dung Phan Chánh Dưỡng khá rõ nét. Một người trò hiếu học, một thầy giáo hiếu tri và một nhà tư vấn chính sách phát triển luôn học để hiểu sự vận hành của thời cuộc mà góp sức, cống hiến cho cộng đồng, đất nước một cách hữu hiệu.

IMG_1446.JPG
Tác giả Phan Chánh Dưỡng (trái) tại chương trình giao lưu "Kinh nghiệm giáo dục và phát triển"

Nhàn đàm giáo dục (Phanbook và NXB Dân trí) ra mắt vào tháng 7 năm nay, có thể xem như được phát triển từ cuốn hồi ký Ký ức theo dòng đời, nhưng đi sâu vào lĩnh vực mà ông quan tâm và cho rằng đó chính là nền tảng định dạng sự phát triển xã hội, đất nước: Giáo dục.

Những kinh nghiệm từ quá trình thực hành giáo dục trong vai một người trò, một người thầy, một người tự học, một người kinh qua nhiều mô hình giáo dục, một người đi trong hệ thống giáo dục nhiều thời kỳ và trăn trở với những ngổn ngang của giáo dục hiện thời.

Vì lẽ đó, không chỉ là một cuốn sách tham khảo, chia sẻ về những trải nghiệm giáo dục trong cuộc đời của tác giả; chuyên chở câu chuyện về những trăn trở với ngành giáo dục của đất nước trong thời điểm hiện tại mà Nhàn đàm giáo dục còn là một kho tư liệu thú vị về chủ đề giáo dục qua dòng chảy của thời gian.

Tại chương trình, tác giả Phan Chánh Dưỡng cho biết, tất cả nội dung trong sách phần lớn được ông dựa vào kinh nghiệm riêng của cuộc đời từ khi còn nhỏ, đến tuổi trưởng thành và cho đến tuổi già. Ông viết cả những gì mà ông suy tư ở ngay thời điểm này, vậy nên đây là cuốn sách chứa đựng hiểu biết, trải nghiệm được tích lũy trong một thời gian dài.

“Trong cuốn sách này, phần lớn nhất và quan trọng nhất mà tôi mong muốn độc giả, nhất là cha mẹ, thầy cô giáo của các em từ tuổi mẫu giáo đến hết cấp 1, đọc là phần 1 và phần 2. Phần 1 là phần tổng quan về giáo dục còn phần 2 là giáo dục gia đình. Đây là hai phần trọng tâm của cuốn sách”, ông Phan Chánh Dưỡng nhắn nhủ.

Tác giả Phan Chánh Dưỡng là người “từ nhỏ đến lớn chỉ ôm ấp một mơ ước là được làm thầy giáo” và đã thật sự làm một thầy giáo dạy vật lý, nhưng rồi thời cuộc lại đưa đẩy ông trở thành một chuyên gia kinh tế, một nhà cố vấn phát triển có nhiều đóng góp trong thời kỳ Đổi mới.

Tuy vậy, ông vẫn luôn suy tư trăn trở về giáo dục, từ chuyện dạy dỗ một đứa trẻ cho đến hệ thống, phương pháp dạy học, từ triết lý đến phương pháp thực hành giáo dục thích ứng với bối cảnh mới. Chương trình giao lưu “Kinh nghiệm giáo dục và phát triển” diễn ra trước thời điểm năm học mới, vậy nên, đông đảo bạn đọc đã được lắng nghe tác giả Phan Chánh Dưỡng chia sẻ nhiều vấn đề về giáo dục đang là mối quan tâm chung của toàn xã hội hiện này.

Ông đặc biệt nhấn mạnh vai trò quan trọng của giáo dục, đặc biệt là vai trò của gia đình và giáo dục cấp tiểu học; đồng thời đưa ra những gợi mở về nền tảng, động lực, hệ giá trị thăng tiến của cá nhân và cộng đồng trong bối cảnh mới.

Tin cùng chuyên mục