Chuyên gia Ngân hàng Thế giới: Nhiều giải pháp đơn giản để TPHCM trở thành đô thị carbon thấp

Theo chuyên gia Ngân hàng Thế giới, qua nghiên cứu trong 18 tháng, Dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng, thực hiện trên quy mô lớn và đã được chứng minh hiệu quả.

Chiều 24-1, UBND TPHCM phối hợp Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư vì phát triển tăng trưởng xanh TPHCM.

Tại hội nghị, nhóm công tác chung TPHCM – WB trình bày hai dự án.

6c0bd98461f3cbad92e2-2720.jpg
Ông Marc Forni, chuyên gia WB trình bày về Dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Trình bày Dự án đô thị carbon thấp TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên, ông Marc Forni, chuyên gia WB cho biết, quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa nhanh đã góp phần làm tăng lượng phát thải khí nhà kính, đồng thời làm giảm khả năng chống chịu của TPHCM. Năm 2018, TPHCM phát thải 57,6 triệu tấn CO2, chiếm 25% tổng lượng phát thải của cả nước, trong đó 93,6% đến từ ngành năng lượng. Năm 2022, lượng phát thải vượt mức 60 triệu tấn CO2.

Trong trung và dài hạn, Việt Nam có nguy cơ mất dòng vốn đầu tư nước ngoài chất lượng cao khi các nhà nhập khẩu toàn cầu chuyển hướng ưu tiên sang chuỗi cung ứng bền vững.

Trong quý I-2023, thu ngân sách từ xuất nhập khẩu giảm 17% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu nhất trong 22 năm trở lại đây. Thay vì đặt hàng tại Việt Nam, rất nhiều nhãn hàng nước ngoài đang chuyển hướng sang Bangladesh, nơi có những cam kết về xanh hóa ngành công nghiệp. Hay Thái Lan áp dụng mô hình kinh tế “Xanh - Tuần hoàn - Sinh học” (BCG) hướng tới những hoạt động sản xuất ít tổn hại nhất đến môi trường nhằm thúc đẩy thu hút FDI.

Do đó, cần phục hồi tính cạnh tranh của TPHCM thông qua chú trọng vào phát triển xanh, bền vững, phát thải carbon thấp. Đồng thời, Việt Nam đã tăng cường cam kết về ứng phó với biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, các thành phố đang phát triển gặp khó khăn trong thực hiện các giải pháp giảm phát thải vì hạn chế lớn về tài chính. Các giải pháp nhỏ và rời rạc rất khó khăn để thu về lợi nhuận do chi phí giao dịch cao và mức giảm phát thải hạn chế trên cơ sở riêng lẻ. Nhiều vướng mắc trong việc phát triển các chương trình khuyến khích, cơ chế thể chế, và mô hình khả thi về mặt tài chính để tổng hợp các giải pháp giảm phát thải ở quy mô lớn.

tong-quan-du-an-carbon-7618.jpg
Tổng quan Dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM

Chuyên gia WB cho rằng, tài chính carbon là một công cụ rất quan trọng giúp TPHCM đạt được các mục tiêu về khí hậu và tăng trưởng xanh, đặc biệt là trong ngắn hạn và trung hạn.

Thành phố cần đóng vai trò tổng hợp các hoạt động giảm phát thải carbon của cả khu vực công và tư nhân, để tạo quy mô đủ lớn tham gia vào thị trường carbon quốc tế tự nguyện, góp phần tăng tính khả thi về mặt tài chính và triển khai cho các giải pháp giảm phát thải.

Theo ông Marc Forni, có 4 loại thị trường carbon có thể bán tín chỉ. Với thị trường tự nguyện, có tổ chức, cá nhân trong nước tự nguyện tham gia bù trừ phát thải hoặc hỗ trợ các dự án giảm/loại bỏ khí nhà kính. Ngoài ra còn có các tổ chức hoặc cá nhân từ những quốc gia khác nhau tự nguyện tham gia để bù đắp lượng phát thải của mình hoặc hỗ trợ các dự án giảm/ loại bỏ khí nhà kính.

Với thị trường carbon bắt buộc thì các ngành hoặc tổ chức trong một quốc gia phải tuân thủ các quy định về phát thải của Chính phủ hoặc bắt buộc phải tham gia. Bên cạnh đó là các tổ chức từ những quốc gia khác nhau trao đổi hạn ngạch hoặc tín chỉ phát thải để đáp ứng nghĩa vụ về khí hậu của mình trong một hệ thống hoặc khuôn khổ quốc tế.

Dự án đô thị carbon thấp tại TPHCM trong các lĩnh vực ưu tiên đã được xây dựng trong 18 tháng qua trên cơ sở phân tích APEX được thực hiện trong giai đoạn đầu của Nhóm công tác chung HWG.

giai-phap-don-gian-cho-carbon-thap-6694.jpg

Dự án tập trung vào các giải pháp đơn giản, có thể nhân rộng, có thể thực hiện trên quy mô lớn và đã được chứng minh hiệu quả. Đó là giải pháp nâng cấp lên đèn đường LED; giải pháp lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà cho các tài sản công và tư nhân trên địa bàn thành phố; giải pháp trang bị thêm thiết bị tiết kiệm năng lượng cho các tòa nhà công và tư nhân trên địa bàn thành phố; giải pháp nâng cấp lên phương tiện giao thông chạy bằng điện.

f5372dde94a93ef767b8-3229.jpg
Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Phước Anh trình bày về hoạt động của Nhóm công tác chung TPHCM - WB. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Nhóm công tác chung TPHCM – WB ra mắt vào tháng 3-2022. 8 lĩnh vực ưu tiên hợp tác giữa TPHCM và WB là chuyển đổi số; quan hệ đối tác công tư; phát thải carbon thấp; kinh tế tuần hoàn; phân cấp nguồn thu ngân sách nhà nước, tạo nguồn lực tài chính và quản lý tài sản công; quản lý ngập đô thị; quy hoạch và đầu tư phát triển TP Thủ Đức; giao thông đô thị.

Các chương trình, dự án cụ thể gồm: Chương trình Đô thị carbon thấp trong một số lĩnh vực ưu tiên của TPHCM; Dự án quản lý rủi ro ngập lụt tích hợp 2 cho khu vực lõi đô thị TPHCM; Chuỗi dự án phát triển có khả năng chống chịu TP Thủ Đức; Chương trình đầu tư hệ thống giao thông đô thị tích hợp.

Tin cùng chuyên mục