Chuyên gia mổ xẻ nguyên nhân mưa đá nhiều chưa từng gặp

Mưa đá xuất hiện ở hàng loạt nơi với cảnh tượng chưa từng gặp gần đây, nhưng theo chuyên gia khí tượng, tình trạng này vẫn còn tái diễn trong từ tháng 4 đến tháng 6 năm nay, với dự báo xác suất mưa đá nhiều hơn trung bình nhiều năm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Bắc
IMG_7786.jpeg
Cảnh tượng mưa đá trắng xóa ở công viên địa chất Đồng Văn (Hà Giang). Ảnh do người dân chia sẻ

Từ sáng qua 28-3 đến chiều nay 29-3, hàng loạt nơi ở miền núi phía Bắc (như các huyện Mù Cang Chải, Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ - Yên Bái, Mộc Châu - Sơn La, các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Quản Bạ, Xín Mần, Hoàng Su Phì ở tỉnh Hà Giang, xã vùng cao Y Tý, huyện Bát Xát - Lào Cai, huyện Hạ Hòa - Phú Thọ, TP Hạ Long và Cẩm Phả - Quảng Ninh) và một số nơi ở miền Trung (như Tương Dương - Nghệ An, Hướng Hóa - Quảng Trị)… đã xảy ra mưa đá diện rộng với cường độ chưa từng gặp.

IMG_7788.jpeg
Mưa đá ở Đồng Văn (Hà Giang), ngày 28-3

Mưa đá kèm các cơn dông, bầu trời ban ngày tối đen như ban đêm, không chỉ gây thiệt hại về hoa màu và tài sản mà còn khiến người dân lo lắng thời tiết cực đoan.

IMG_7774.jpeg
Sáng 29-3, mưa đá tiếp tục hoành hành ở tỉnh Yên Bái. Ảnh do người dân chia sẻ

Chiều 29-3, trao đổi với báo chí về nguyên nhân mưa đá xuất hiện nhiều nơi, ông Vũ Anh Tuấn, Phó trưởng Phòng Dự báo thời tiết, Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho biết, tổ hợp thời tiết đã gây ra hiện tượng này, gồm: những đợt không khí lạnh yếu gặp vùng áp thấp phía Tây phát triển và mở rộng, đồng thời dòng xiết trên mực 5.000m di chuyển từ phía Tây sang phía Đông.

IMG_3130.jpeg
Chuyên gia khí tượng Vũ Anh Tuấn

Tất cả tổ hợp này gây ra xáo động rất mạnh về thời tiết ở khu vực các tỉnh miền núi phía Bắc. Vì vậy, mưa dông xảy ra tương đối nhiều và dày đặc trong những ngày qua.

Chuyên gia Vũ Anh Tuấn cũng lưu ý, hiện nay đang là thời kỳ giao mùa, chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng, khả năng bất ổn định trong không khí là rất lớn. Tháng 4, tháng 5, thậm chí tháng 6, dông lốc có thể xảy ra rất nhiều trên phạm vi cả nước, không chỉ ở Bắc bộ mà có thể ở miền Trung, Tây Nguyên. Trong các cơn dông có thể đi kèm mưa đá.

Các chuyên gia khí tượng cũng lưu ý người dân đảm bảo độ chắc chắn, an toàn cho nhà cửa, sử dụng màng (lưới) để che chắn cho rau màu nếu có thể, hạn chế thiệt hại.

IMG_7789.jpeg
Rau màu nát vì mưa đá ở Hà Giang, ngày 28-3
IMG_7761.jpeg
Mận ở huyện Mộc Châu (Sơn La) rụng như sung, chiều 28-3

Về việc cơ quan khí tượng đã không có cảnh báo rõ ràng về hiện tượng mưa đá, nhất là khu vực (địa điểm) có thể xảy ra, mà thông tin chỉ chung chung, đại diện Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, cho rằng, việc cảnh báo mưa dông tương đối khó vì phải xác định được khu hội tụ gió và khu vực xáo động lớn trong không khí.

IMG_7808.webp
Cơn dông quật đổ cột điện ở TP Hạ Long (Quảng Ninh) chiều 29-3, kèm theo mưa đá. Ảnh: TTQN

Chiều 29-3, một cơn dông kèm gió lốc và mưa đá đã bất ngờ đổ xuống nhiều khu vực trên địa bàn TP Hạ Long, TP Cẩm Phả của tỉnh Quảng Ninh. Cột điện bị lốc quật đổ ngang đường. Người dân cho biết, các hạt đá to bằng trái sấu non (1-2cm) rơi xuống trong mưa dông.

Trước đó, buổi sáng nay 29-3, mưa đá và dông đã xuất hiện tại xã Suối Giàng và thị trấn Sơn Thịnh của huyện Văn Chấn (Yên Bái), xã vùng cao Y Tý của huyện Bát Xát (Lào Cai).

Theo thống kê, đã có 1 người bị thương là ông Trần Đình Thế (sinh năm 1979) trú tại tổ 11, thị trấn Bát Xát, huyện Bát Xát. Hiện tại, sức khỏe nạn nhân đang dần hồi phục, chờ xuất viện. Mưa đá, dông lốc gây thiệt hại khoảng 5,1 tỷ đồng tại các huyện Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, thị xã Sa Pa.

Tin cùng chuyên mục