Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) và cũng là dịp để nhìn lại những thời khắc khó khăn khi cả nước phải gồng mình chống dịch; ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực vượt qua khó khăn và đóng góp của doanh nghiệp, ngày 8-10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm "Chính phủ và doanh nghiệp: Đồng hành vượt khó".
Các ý kiến đều cho rằng, đại dịch Covid-19 xuất hiện và hoành hành trong hơn 2 năm qua đã tác động đến mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, trong đó có hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp đã luôn nỗ lực phát huy tinh thần năng động, vượt khó, sáng tạo; chủ động nắm bắt cơ hội, tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh, biến "nguy" thành "cơ" để duy trì và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong mọi điều kiện và hoàn cảnh.
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công nhấn mạnh, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt, kịp thời, sáng tạo và đặc biệt lắng nghe các doanh nghiệp, đã có 3 quyết sách rất lớn: Một là chuyển chiến lược phòng, chống dịch từ zero Covid sang thích ứng, linh hoạt; hai là tổ chức tiêm vaccine kịp thời; ba là có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển hậu Covid-19. Đó là những chính sách rất lớn, giúp doanh nghiệp bảo toàn lực lượng, không bị đứt gãy trong sản xuất.
Theo ông Phạm Tấn Công, doanh nghiệp rất vui mừng khi vừa qua Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, gắn với chủ động tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng.
“Muốn độc lập, tự chủ thì cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam phải lớn mạnh. Muốn lớn mạnh thì thể chế, môi trường kinh doanh phải hoàn thiện, đồng bộ để tạo điều kiện thuận lợi. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp rất kỳ vọng sắp tới Đảng, Nhà nước sẽ có những cơ chế chính sách mới để doanh nghiệp Việt Nam vươn lên mạnh mẽ hơn. Khi được tạo điều kiện chắc chắn doanh nhân Việt Nam sẽ chớp lấy thời cơ và cũng nhìn thấy trách nhiệm của mình”, Chủ tịch VCCI nêu.
Theo ông, độc lập tự chủ không chỉ từ Đảng, Nhà nước, Chính phủ, mà phải từ chính nỗ lực của doanh nhân, doanh nghiệp. Từng doanh nhân, doanh nghiệp phải có tầm nhìn, phải xác định sứ mệnh của mình xứng tầm nhìn, sứ mệnh của quốc gia, sánh ngang các cộng đồng doanh nhân thế giới về tầm cỡ, năng lực. Việt Nam phải có những doanh nhân lớn, đầu đàn để bảo đảm xây dựng nền kinh tế tự chủ, ít khoảng trống, không bị phụ thuộc.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, Thành viên tổ tư vấn Chính phủ, Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, khái niệm nền kinh tế độc lập tự chủ đồng nghĩa với xây dựng một lực lượng doanh nghiệp mạnh.
Theo ông Trần Đình Thiên, thị trường vốn, tín dụng thời gian qua được đánh giá là tăng trưởng khá "nóng", bên cạnh việc hỗ trợ tích cực cho nền kinh tế cũng tiềm ẩn rủi ro cho ngân hàng, nhà đầu tư. Sau 2, 3 năm dịch bùng phát, nền kinh tế bị thiếu vốn nên việc bơm vốn cho nền kinh tế là việc phải làm. Dĩ nhiên, bơm bằng cách nào, bơm như thế nào để giữ được an toàn cho kinh tế và đảm bảo được tăng trưởng kinh tế là điều phải rất chú ý.
Vừa rồi, thị trường trái phiếu tăng trưởng nóng trong bối cảnh nguồn vốn bơm ra cho nền kinh tế, đặc biệt là giải ngân đầu tư công rất chậm; vốn của chương trình phục hồi và phát triển giải ngân cũng rất chậm. Do đó, sự bùng nổ của thị trường vốn tư nhân là rất có ý nghĩa để giúp giải tỏa cơn khát, nhưng đồng thời cũng đã sinh ra chuyện này, chuyện kia.
“Vừa qua Chính phủ chỉ đạo giải quyết những sự cố làm cho thị trường này ngưng lại, tức là "nguồn máu" của tư nhân cũng bị ngưng lại. Đấy là vấn đề chúng ta phải giải quyết. Thông hàng và thông tiền cho nền kinh tế thị trường là hai điều kiện sống còn. Năm 2021, trong lúc dịch cao điểm, Chính phủ rút ra được bài học nên lo được cả hai việc: thông hàng và thông tiền. Tại thời điểm này, bài học đó vẫn phải được thực thi, làm sao để thông tiền?”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên nêu.
Ông Trần Đình Thiên khuyến nghị Chính phủ cần tập trung quyết liệt giải ngân đầu tư công; cấu trúc thị trường tài chính, không để đổ dồn vào ngân hàng mà cần phát triển phù hợp, thông suốt thị trường cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Cần sớm hoàn thiện thể chế về lĩnh vực này để giữ cho nền kinh tế ổn định vĩ mô, tạo động lực tăng trưởng mới….
Chủ tịch VCCI Phạm Tấn Công cũng cho rằng, vốn là vấn đề trọng yếu, quyết định vấn đề tồn tại hay không tồn tại đối với doanh nghiệp. Hiện nay, vấn đề vừa là điểm nghẽn, vừa là điểm nóng, là câu chuyện khó nhất đối với Chính phủ trong điều hành kinh tế chính là gỡ bài toán về vốn…