Chuyên gia kiều bào chỉ ra “3 phao hỗ trợ” phòng chống dịch Covid-19

Từ kinh nghiệm thực tế ở các nước, kiều bào góp ý trong bối cảnh dịch bệnh hiện nay, các gia đình tại TPHCM nên trang bị đầy đủ một số thiết bị như máy đo nồng độ oxy máu, nhiệt kế, máy đo huyết áp, cùng nhau vượt qua cơn bệnh.


Chiều 12-8, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức chương trình trực tuyến Health Talk “Kiều bào chung sức cùng TPHCM chống dịch”. Tham dự chương trình có các đại biểu: Phạm Quang Hiệu, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài; Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, cùng các khách mời là chuyên gia, trí thức, doanh nhân kiều bào.

Chuyên gia kiều bào chỉ ra “3 phao hỗ trợ” phòng chống dịch Covid-19 ảnh 1 Hội thảo diễn ra trực tuyến 
Tại buổi hội thảo, ông Trần Trọng Hùng, kiều bào Ba Lan, Trưởng ban hỗ trợ và phòng chống Covid-19 cộng đồng người Việt Nam tại Ba Lan trình bày kinh nghiệm về 3 phao hỗ trợ chống dịch: Phòng triệt để - Chống ngay lập tức – Cấp cứu kịp thời.

Trong đó, Phòng triệt để gồm: Rửa tay, Nước diệt khuẩn, Giữ khoảng cách, Đeo khẩu trang, Hạn chế gặp gỡ, hội họp, ăn uống.

Chống ngay lập tức: xác định nhiễm Covid-19 khi có các biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau họng, đau đầu. Lúc này cần liên hệ với bác sỹ; làm xét nghiệm; cài ứng dụng Pulso Care Doctor trong khuôn khổ chương trình chăm sóc bệnh nhân tại nhà của Chính phủ Ba Lan dành cho người bệnh trên 55 tuổi; tập thở - Yoga hỗ trợ phổi, thông đường hô hấp. Thông gió phòng thường xuyên để bảo đảm chất lượng không khí. Theo ông Hùng, giai đoạn này hãy tận dụng cơ hội để chiến thắng Covid-19 khi nó vẫn còn yếu, bởi bệnh có thể biến chuyển rất nhanh.

Cấp cứu kịp thời: Gọi cấp cứu để được nhập viện khi bắt đầu khó thở (oxy <91) hay nhịp tim quá cao hoặc thấp hoặc cảm giác đuối sức.

Chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ công tác phòng chống dịch bệnh nhằm giảm thiểu thương vong trong cộng đồng, ông cho biết: cần phải xây dựng và hoàn thiện các đường dây nóng hoặc các phương tiện trò chuyện để hướng dẫn người dân xử lý tình huống tại nhà.

Bên cạnh đó, mỗi gia đình cũng cần trang bị cho mình những trang thiết bị cần thiết như: các loại thuốc cơ bản, oxymeter, nhiệt kế, máy đo huyết áp. Nhờ những công cụ đơn giản này, người trực đường dây nóng có thể dễ dàng hỗ trợ người bệnh.

Theo ông Trần Trọng Hùng, Chính phủ Ba Lan đã trang bị cho các gia đình có người trên 55 tuổi loại máy oxymeter. Còn cộng đồng người Việt tại Ba Lan cũng đã gửi tặng mỗi gia đình có người nghi mắc Covid-19 một máy này để theo dõi sức khỏe. Kiều bào này cho rằng TPHCM có thể nghiên cứu áp dụng việc này.

Ông Danny Võ – kiều bào Singapore, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài cũng cho biết, cách đây khoảng 6 tháng, Chính phủ Singapore đã tặng cho mỗi hộ dân một thiết bị oxymeter này.

Tại buổi hội thảo, nhiều ý kiến của chuyên gia kiều bào cũng đồng tình với việc thắt chặt quy định giãn cách. Bác sĩ Vũ Ngọc Khuê, kiều bào Mỹ, cho rằng bám trụ tại nhà, hỗ trợ nhân dân tối đa sẽ mang lại kết quả tốt đẹp. Trong khi đó, TS.BS Võ Toàn Trung, Kiều bào Pháp nhấn mạnh đến vai trò của truy vết và test nhanh; giãn cách đúng thời điểm để giảm tốc độ lây lan, giảm tải cho hệ thống y tế; lập bệnh viện dã chiến.

Chia sẻ kinh nghiệm về xét nghiệm Covid-19 diện rộng, TS Nguyễn Đức Thái, kiều bào Mỹ cho rằng các phương pháp hiện nay TPHCM đang áp dụng kết hợp với truy vết, cách ly đã mang đến kết quả tốt trong 3 làn sóng Covid-19 trước đây. Hiện ở làn sóng thứ 4, chủng Delta biến chuyển nhanh, với cách tổ chức và kỹ thuật xét nghiệm cũ thì khó đáp ứng yêu cầu thực tế.

TS Thái giới thiệu giải pháp PCR siêu nhạy của TS.BS Hồ Hữu Thọ, Học viện Quân Y Hà Nội. Giải pháp này với độ nhạy cao hơn PCR thường; giúp tìm được các biến chủng đột biến. Phương pháp này có thể làm gộp 100 mẫu vẫn chính xác, rất phù hợp với xét nghiệm diện rộng hay xét nghiệm toàn thành phố. Hiện nay đã lập xong phòng xét nghiệm công suất cao có thể xét ngiệm 10.000 mẫu/ ngày hoặc 100.000 mẫu ngày khi nhu cầu cần thiết.

Chuyên gia kiều bào chỉ ra “3 phao hỗ trợ” phòng chống dịch Covid-19 ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức, cùng Chủ nhiệm Ủy ban người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM Phùng Công Dũng dự hội thảo từ điểm cầu UBND TPHCM

Kết lại buổi hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức bày tỏ xúc động trước tình cảm, sự sẻ chia của kiều bào khắp nơi trên thế giới cho công tác phòng chống dịch của TPHCM suốt thời gian qua.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM bày tỏ trân trọng ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nhân kiều bào và mong muốn kiều bào tiếp tục hỗ trợ TPHCM trong phòng chống dịch. Cụ thể là các lĩnh vực như các kênh thông tin điều phối, hỗ trợ cung cấp, mua vaccine, trang thiết bị vật tư y tế thiết yếu trong phòng chống dịch, đảm bảo sức khỏe cho người dân và ổn định phát triển kinh tế…

Tin cùng chuyên mục