Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai, giảng dạy tại Đại học Việt-Nhật (Đại học Quốc gia Hà Nội), bão số 3 đang có dấu hiệu di chuyển nhanh và phát triển thành siêu bão.
Sau nắng nóng có thể là ngập úng
Do cơn bão này hút mây và hơi ẩm từ đất liền để tích lũy năng lượng nên trong hai ngày 5 và 6-9, thời tiết ở Hà Nội và miền Bắc có đặc điểm là ít mưa, oi nóng đến nắng nóng. Một số cơ quan dự báo thời tiết quốc tế nhận định, nhiệt độ tại Hà Nội trưa 5-9 có thể lên 35 độ C và giảm còn 34 độ vào trưa mai 6-9.
Tuy nhiên, “đừng thấy nắng nóng mà nghĩ bão không vào”, TS Nguyễn Ngọc Huy lưu ý. Theo chuyên gia này, khoảng ngày 7-9 khi bão cập vào đất liền sẽ trút lại toàn bộ lượng nước (mưa) mà trước đó đã tích lũy.
Còn theo ông Đinh Hữu Dương, Trưởng phòng Dự báo thời tiết thuộc Đài Khí tượng - thủy văn khu vực đồng bằng và trung du Bắc bộ, khoảng đêm 6 đến sáng 7-9, khu vực Hà Nội sẽ có gió cấp 5-7, có thể mạnh lên tới cấp 7-9. Mưa dông mạnh trước bão có thể xảy ra bất chợt vào ngày 6-9, với nguy cơ bật đổ cây và lốc sét.
“Mưa lớn xảy ra trong thời gian ngắn có thể làm quá tải hệ thống thoát nước ở khu vực nội thành, dẫn đến ngập lụt đô thị và các vùng trũng thấp”, ông Dương cảnh báo.
Trước đó, như Báo SGGP thông tin, trên địa bàn Hà Nội tồn tại nhiều điểm giao thông hoặc khu vực dân cư dễ xảy ra úng ngập khi có mưa lớn. Trong đó, những khu vực dễ ngập sâu là đường gom và hầm chui đại lộ Thăng Long, khu đô thị Gleximco An Khánh - Hoài Đức, các khu vực Mỹ Đình, Phùng Khoang, Mễ Trì, Văn Quán, Triều Khúc…
Ở ngoại thành, ông Dương đặc biệt cảnh báo về hệ thống các sông Bùi, sông Tích và sông Cà Lồ, nơi dự kiến có đợt lũ cao 1-3m trong đợt mưa gió bão này. Nguy cơ ngập lụt cao có thể xảy ra tại các xã thuộc huyện Chương Mỹ trong nhiều ngày. Các cơ quan chức năng của Hà Nội cần chuẩn bị các biện pháp ứng phó để giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng.
Hà Nội ứng phó bão số 3
Theo Phó trưởng Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn TP Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, để ứng phó hiệu quả với cơn bão số 3 và các tình huống thời tiết xấu có thể xảy ra, cơ quan này đã có công văn yêu cầu các quận, huyện, thị xã cùng các sở, ban, ngành nhanh chóng triển khai phương án và kế hoạch ứng phó bão.
Để không bị động với cơn bão, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng đã ký công điện yêu cầu các sở, ban, ngành và các cấp chính quyền ở Hà Nội sẵn sàng phương châm “4 tại chỗ”. Công điện nêu rõ, cần tập trung vào các phương án phòng chống ngập úng ở nội thành và ngoại thành, cũng như các phương án ứng phó với mưa to, gió lớn.
Chủ tịch TP Hà Nội cũng yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra an toàn hệ thống cơ sở hạ tầng, công trình tiêu thoát nước và các khu dân cư để phát hiện kịp thời các nguy cơ tiềm ẩn. Đặc biệt chú trọng tới các huyện thường xuyên bị ảnh hưởng bởi lũ rừng ngang, lũ quét và sạt lở đất như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia cho biết, bão số 3 sẽ tiến vào Vịnh Bắc bộ vào đêm 6 và sáng 7-9 với cường độ gió cấp 12-13, giật cấp 15. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định và Ninh Bình sẽ chịu tác động mạnh nhất của bão, với gió mạnh cấp 10-11 và nguy cơ mưa to đến rất to, lũ quét và sạt lở đất cao. Mưa bão dự kiến sẽ xảy ra từ ngày 7 đến 9-9 ở Bắc bộ và Bắc Trung bộ, nguy cơ ngập lụt rất cao.