Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường trực Thành ủy TPHCM, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức chủ trì buổi trao đổi.
Tham dự buổi trao đổi có các chuyên gia: GS.TS Trần Hồng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo, đồng Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; GS.TS Trình Quang Phú, Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện nghiên cứu phát triển Phương Đông; chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; chuyên gia kinh tế, TS Trần Du Lịch.
Tại buổi trao đổi, các chuyên gia đã có nhiều ý kiến góp ý liên quan đến cơ chế, chính sách để TP Thủ Đức phát triển mạnh mẽ.
Đánh giá về cách tiếp cận đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù của TP Thủ Đức, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng TP Thủ Đức cần có cách tiếp cận khác, phải nêu bật được sự đột phá. Trong đó, phải cho thấy TP Thủ Đức như hình mẫu phát triển của quốc gia trong thời đại kinh tế số, thời đại của công nghệ cao. Cùng với đó, TP Thủ Đức phải định vị được vai trò của mình đối với TPHCM để được ưu tiên tối đa về cơ chế và nguồn lực.
TS Trần Du Lịch cũng bày tỏ đồng thuận với các đề xuất của TP Thủ Đức để có cơ chế, chính sách phát triển thuận lợi nhất. Dù vậy, TS Trần Du Lịch cho rằng, nếu nhìn TP Thủ Đức như một động lực phát triển với tất cả lợi thế, xét về tiềm năng, vị trí và cơ hội thì cần có một sự đột phá về tư duy phát triển. Ở đó, không chỉ phát triển về kinh tế - xã hội mà còn phải là một hình mẫu về đô thị hiện đại và hiệu quả quản lý của mô hình chính quyền đô thị.
TS Trần Du Lịch gợi mở, TP Thủ Đức cần làm rõ lợi thế và khó khăn của mình. Ngoài các thuận lợi về vị trí địa lý và các trụ cột phát triển, TS Trần Du Lịch chỉ rõ TP Thủ Đức cần đánh giá 4 vấn đề đang là trở lực.
Cụ thể là tình trạng chiếm hữu đất đai và đầu cơ đất để “thổi giá đất” trên địa bàn; sự phát triển các khu dân cư tự phát trong những năm qua dẫn đến tình trạng “da beo” về quỹ đất, gây khó khăn cho công tác quy hoạch và thực hiện quy hoạch.
Bên cạnh đó, trên địa bàn TP Thủ Đức còn tồn tại nhiều dự án chưa giải quyết xong, việc khiếu kiện của người dân ảnh hưởng đến việc triển khai các dự án mới. Trong khi đó, TP Thủ Đức có quy mô kinh tế chiếm đến 7% GDP của cả nước nhưng về cơ chế quản lý cũng không khác một quận.
Từ đó, TS. Trần Du Lịch cho rằng TP Thủ Đức phải có những đề xuất để tăng tính tự chủ trong công tác thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư; tự chủ về ngân sách và tự chủ tổ chức bộ máy công chức nhằm tạo động lực cho cán bộ làm việc.
Tại buổi trao đổi, GS.TS Trình Quang Phú cũng đánh giá cao các đề xuất của TP Thủ Đức. Bên cạnh đó, GS.TS Trình Quang Phú góp ý TP Thủ Đức cần lập quy hoạch mới, mang tầm thời đại; bám vào thực tiễn để tìm những thể chế phù hợp. Song song đó có trung tâm phát triển quỹ đất, chủ động tạo quỹ đất để kéo nhà đầu tư đến.
Đề cập đến tiềm năng bất động sản, GS.TS Trình Quang Phú gợi ý, TP Thủ Đức nên đột phá bằng “phá băng” bất động sản. Theo GS.TS Trình Quang Phú, TP Thủ Đức đang bị “đóng băng” khoảng 60% nguồn vốn, nằm trong 172 dự án ách tắc. Do đó, cần tháo gỡ từng dự án một, ưu tiên trước hết là dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm; đồng thời quan tâm khai thác tiềm năng du lịch sinh thái dựa vào địa hình ven sông…
Phát biểu kết luận tại buổi trao đổi, Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu thay mặt Ban Thường vụ Thành ủy TP Thủ Đức tiếp thu các ý kiến góp ý của các chuyên gia.
Theo đồng chí Nguyễn Văn Hiếu, hiện TP Thủ Đức đang xây dựng nghị quyết trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Nghị quyết có đề cập đến một số chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng để thúc đẩy nhanh các dự án giao thông kết nối trên địa bàn.
Cùng với đó, ngoài Trung tâm kinh tế - tài chính, TP Thủ Đức cũng sẽ có Trung tâm quản lý hạ tầng kỹ thuật; đồng thời xin cơ chế để chủ động giải quyết nhanh chóng những nhu cầu và các vấn đề lớn của địa phương.
Trao đổi về vấn đề quy hoạch, đồng chí Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TPHCM cũng đã mời các đơn vị tư vấn nước ngoài tham gia xây dựng đồ án quy hoạch chung của TPHCM và TP Thủ Đức, tầm nhìn đến năm 2040. Trong đó, quy hoạch đô thị của TP Thủ Đức là đô thị xanh, đô thị sáng tạo và định hướng phát triển của TP Thủ Đức là khu vực kinh tế trọng điểm, có các chức năng bổ trợ cho TPHCM, cùng nhau phát triển để tạo ra những giá trị gia tăng mới. Ngoài ra, TP Thủ Đức cũng quan tâm đến những vị trí đất để dành cho tương lai có dư địa phát triển…
Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ các ý kiến góp ý của các chuyên gia; đồng thời tiếp tục tổ chức gặp gỡ với các chuyên gia trong từng lĩnh vực để tiếp thu, bổ sung và hoàn thiện cơ chế, chính sách phù hợp để cấp có thẩm quyền, nhất là Trung ương tạo điều kiện cho TP Thủ Đức phát triển mạnh mẽ trong tương lai.