Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh

TS. Trương Minh Huy Vũ, Đại học Quốc gia TPHCM, tán đồng với ý kiến của bà Phạm Phương Thảo về việc nên coi TP Thủ Đức là đơn vị tương đương cấp tỉnh. Bởi, nơi đây có diện tích, dân số và tiềm năng phát triển và cần có cơ chế tương đương cấp tỉnh để thực sự phát triển. 

Ngày 21-1, Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức.

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu và Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM Trần Hoàng Ngân chủ trì hội thảo.

TP Thủ Đức vẫn đang vận hành như chính quyền quận, huyện

Tại hội thảo, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, qua 1 năm thành lập (từ ngày 22-1-2021), cơ bản TP Thủ Đức vận hành một cách thông suốt. Tuy nhiên, đến nay, vẫn chưa có chính sách gì mới đối với TP Thủ Đức mà cơ bản đang vận hành như một chính quyền địa phương tương đương cấp quận, huyện.

“Khi thành lập TP Thủ Đức, tất cả chúng ta đều mong muốn có gì đó mới mẻ và thật sự có sức bật cho kinh tế TPHCM. Nhưng trải qua 1 năm, trong đó dành phần lớn thời gian cho phòng chống dịch; còn những mong muốn có chính sách đổi mới hơn thì đến giờ này, vẫn chỉ dừng ở ý tưởng, sự thảo luận mà thôi”, Chủ tịch UBND TP Thủ Đức trăn trở.

Theo ông Hoàng Tùng, đây thực sự là điều rất đáng tiếc.

Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh ảnh 1 Hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức cho biết, dự thảo Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ và một số cơ chế phát triển TP Thủ Đức giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 đang trình Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM. Trong đó, đặt ra một số vấn đề mới về phân cấp, ủy quyền với hy vọng rằng có thể triển khai ngay trong năm 2022. Song song với đó, Sở Kế hoạch – Đầu tư TPHCM đang nghiên cứu, tham mưu cho TPHCM một loạt cơ chế, chính sách cần được Trung ương ban hành. 

Ông Hoàng Tùng mong muốn các chuyên gia sẽ giúp tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển của TP Thủ Đức. Trong đó, xoáy sâu vào vấn đề quản lý đô thị. Bởi vì từ khi thành lập, TP Thủ Đức là thành phố trực thuộc thành phố và đã được công nhận là đô thị loại 1, trong khi rất nhiều thành phố trực thuộc tỉnh không được công nhận như vậy. Từ đó, đặt ra yêu cầu về việc quản lý đô thị loại 1 như thế nào cho phù hợp.

Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh ảnh 2 Chủ tịch UBND TP Thủ Đức Hoàng Tùng mong các chuyên gia sẽ giúp TP Thủ Đức tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù cho sự phát triển


Cùng đó là các vấn đề về nhân lực, bộ máy vận hành; ngân sách cho đầu tư phát triển; công tác giám sát; thực hiện quy hoạch.

Chủ tịch UBND TP Thủ Đức chia sẻ, số kết dư trong năm qua của TP Thủ Đức đang ở mức rất lo lắng, chỉ khoảng 200 tỷ đồng. Nếu kết dư với mức này thì sau 5 năm, TP Thủ Đức chỉ xây được... 3 trường trung học, chỉ tính riêng tiền xây dựng, chưa tính tiền đền bù giải phóng mặt bằng. "Tài chính đang là vấn đề hết sức quan trọng đối với TP Thủ Đức", ông Hoàng Tùng thông tin.

Về việc quy hoạch, hiện nay, TP Thủ Đức đang cùng Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham mưu TPHCM trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đồ án quy hoạch chung TP Thủ Đức tầm nhìn đến năm 2040. TP Thủ Đức kỳ vọng sẽ mang lại làn gió mới cho công tác quản lý quy hoạch thời gian tới. Ông Hoàng Tùng cho rằng, cần đột phá hơn nữa trong tạo quỹ đất, từ đó kêu gọi đầu tư thay vì trông chờ vào vốn ngân sách.

Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh ảnh 3 PGS-TS Trần Hoàng Ngân cho rằng TP Thủ Đức đã có đủ yếu tố tiềm năng phát triển, chỉ thiếu cơ chế thúc đẩy

Phát biểu tại hội thảo, PGS-TS Trần Hoàng Ngân phân tích, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM đang chậm lại trong những năm gần đây. Đặc biệt, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, những điểm nghẽn của TPHCM đã bộc lộ rõ nét hơn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của TPHCM trước gấp 1,2 - 1,3 lần, có năm gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước. Nhưng năm 2020, TPHCM chỉ tăng trưởng 1,36% trong khi cả nước tăng 2,91%. Năm 2021, bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, TPHCM không còn tăng trưởng mà lại suy giảm, thậm chí có thể gọi là suy thoái vì 2 quý tăng trưởng âm liên tiếp và cả năm âm 6,78%, trong khi cả nước tăng trưởng 2,58%.

“Nguyên nhân từ đâu? TPHCM tìm giải pháp gì, cơ chế gì? Đâu là động lực tăng trưởng mới? Đâu là cực tăng trưởng mới?”, PGS-TS Trần Hoàng Ngân nêu nhiều câu hỏi đáng suy nghĩ.

Trong bối cảnh đó, theo PGS-TS Trần Hoàng Ngân, TP Thủ Đức là một trong những cực tăng trưởng mà TPHCM đặt nhiều kỳ vọng. Hiện nay, TP Thủ Đức có đủ yếu tố tiềm năng phát triển, chỉ thiếu cơ chế thúc đẩy. Vấn đề quan trọng là tìm ra cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển TP Thủ Đức đúng như kỳ vọng, như mong đợi.

Nên định hình TP Thủ Đức tương đương cấp tỉnh

Góp ý về phân cấp, ủy quyền trong quản lý đô thị giữa chính quyền TPHCM và TP Thủ Đức, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện Cán bộ TPHCM Phan Hải Hồ đề nghị, Trung ương nên cho phép TPHCM được tự chủ thiết kế cơ chế phân cấp, ủy quyền giữa TPHCM và TP Thủ Đức cho phù hợp với tính chất của đô thị này; Chính phủ nên trao quyền hành pháp trực tiếp cho TP Thủ Đức. Đồng thời, TPHCM nên phân cấp, ủy quyền mạnh cho TP Thủ Đức.

Cùng quan tâm về phân cấp, phân quyền, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM Phạm Phương Thảo phân tích, bây giờ đang cân nhắc đề xuất áp dụng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, hay là đề xuất thẩm quyền tương đương với cấp tỉnh đối với TP Thủ Đức. Nếu lựa chọn tương đương cấp tỉnh thì sẽ rất nhanh vì mô hình này đã có sẵn, còn đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì… rất lâu mới có vì quá mới mẻ. Trên thế giới, nhiều thủ đô cũng thuộc tỉnh, mặc dù thẩm quyền của thủ đô có khi còn lớn hơn tỉnh. Theo bà Phạm Phương Thảo, nên chọn phương án đề xuất coi TP Thủ Đức tương đương cấp tỉnh, với chế độ chính sách như cấp tỉnh.

Giữa mô hình đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt hay định hình TP Thủ Đức tương đương cấp tỉnh, TS. Trương Minh Huy Vũ (Đại học Quốc gia TPHCM), tán đồng với ý kiến của bà Phạm Phương Thảo nghiêng về phương án 2. Bởi, nơi đây có diện tích, dân số và tiềm năng phát triển; cần coi TP Thủ Đức là đơn vị tương đương cấp tỉnh, có cơ chế tương đương cấp tỉnh để thực sự phát triển.

Dự kiến 8 nhóm cơ chế, chính sách đối với TP Thủ Đức

Được nhập từ 3 quận, theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM Nguyễn Thị Hồng Thắm, TP Thủ Đức được coi là “em” của TPHCM và là “anh” của các quận, huyện.

Tạo điều kiện cho TP Thủ Đức phát triển, TPHCM đã chủ động phối hợp với các cơ quan Trung ương xây dựng Đề án  về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức để tham mưu Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Nghị quyết về cơ chế, chính sách đặc thù đối với TP Thủ Đức.

Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh ảnh 4 Các chuyên gia góp ý về cơ chế, chính sách phát triển TP Thủ Đức
Đề án dự kiến có 8 nhóm cơ chế, chính sách: tăng tính chủ động, tự chịu trách nhiệm thông qua việc phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ các chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước từ TPHCM cho TP Thủ Đức; gỡ bỏ các điều kiện hạn chế gia nhập thị trường của nhà đầu tư nước ngoài trong một số lĩnh vực trên địa bàn TP Thủ Đức; phân bổ lại ngân sách, tỷ lệ phân chia ngân sách theo hướng tăng cường để lại các nguồn thu cho TP Thủ Đức; thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư các dự án nhóm A sử dụng nguồn vốn TP Thủ Đức và dự án nhóm B, C sử dụng vốn ngân sách TPHCM trên địa bàn TP Thủ Đức; đấu thầu các khu đất công, đấu thầu cung cấp dịch vụ công; cơ chế tiếp nhận các khoản hỗ trợ, đóng góp của người dân, doanh nghiệp trong việc đầu tư hạ tầng; tách dự án bồi thường ra khỏi dự án xây lắp; thẩm quyền về bộ máy quản lý nhà nước và chính sách nhân sự.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, khung 8 nhóm cơ chế, chính sách đang được phác thảo và sẽ lấy ý kiến các chuyên gia, các nhà khoa học.

Trong khi đó, về cơ chế, chính sách thuộc thẩm quyền TPHCM cho TP Thủ Đức, bà Nguyễn Thị Hồng Thắm cho biết, TPHCM sẽ phân cấp, ủy quyền mạnh mẽ cho TP Thủ Đức đảm bảo tối đa thẩm quyền và thuận lợi cho TP Thủ Đức. Những vấn đề nào chưa có tiền lệ thì thực hiện thí điểm trong 2-3 năm, sau đó rút kinh nghiệm, quyết định triển khai thực hiện.

Chuyên gia đề nghị nên định hình TP Thủ Đức như một tỉnh ảnh 5 Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu phát biểu

Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ, TP Thủ Đức mong được phân cấp, ủy quyền mạnh để tạo thuận lợi phát triển, giải quyết các bức xúc của người dân và doanh nghiệp.

Hai yêu cầu quan trọng đối với TP Thủ Đức hiện nay là phát triển kinh tế, đô thị. Trong phát triển 8 trung tâm chức năng tại TP Thủ Đức, theo Bí thư Thành ủy TP Thủ Đức, đều phải dựa vào nguồn lực đất đai. Tuy nhiên, đất công ở TP Thủ Đức không còn bao nhiêu. Vì thế, rất cần xây dựng chính sách tạo quỹ đất mới, trên cơ sở đó có dư địa về đất đai để kêu gọi đầu tư. TP Thủ Đức cũng đang đề xuất có đề án khai thác quỹ đất để phát triển hạ tầng, tạo quỹ đất mới; đề xuất có trung tâm khai thác quỹ đất ở TP Thủ Đức. Nếu các cơ chế, chính sách được thông qua thì sẽ tạo dư địa cho sự phát triển.

TP Thủ Đức cũng mong được phân cấp quản lý toàn bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật từ các sở, ngành giao về cho TP Thủ Đức quản lý. Như vậy, TP Thủ Đức sẽ trực tiếp giải quyết các vấn đề hạ tầng liên quan đến người dân, doanh nghiệp một cách nhanh chóng.

Tin cùng chuyên mục