Chuyên gia công nghệ cần "đất để dụng võ"

Ngày 23-12, tại Hà Nội, Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài (thuộc Bộ Ngoại giao) phối hợp cùng Cục Phát triển thị trường và Doanh nghiệp KH-CN (thuộc Bộ KH-CN) và Viện Quản trị Chính sách và Chiến lược phát triển tổ chức hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Mạnh Đông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài cho biết, chương trình “Cố vấn khởi nghiệp toàn cầu” nằm trong khuôn khổ hợp tác giữa Bộ Ngoại giao và Bộ KH-CN, dựa trên hình thức cố vấn 1:1 giữa chuyên gia người Việt Nam trên toàn cầu với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo được lựa chọn ở trong nước để giúp các doanh nghiệp này hoàn thiện công nghệ, mô hình kinh doanh, phát triển thị trường quốc tế.

Tại hội thảo, bên cạnh những kết quả đã đạt được, đại diện các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng, thời gian tới vẫn cần có sự kết nối chặt chẽ và mở rộng hơn nữa mạng lưới trí thức và chuyên gia người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia sâu vào chuỗi cung ứng về lĩnh vực công nghệ cao.

z6158437616789_246ab344b263b5e4f66135782765779d.jpg
Hội thảo “Kết nối mạng lưới cố vấn khởi nghiệp toàn cầu”

Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch Hội đồng nhà trường, Trường Đại học FPT, cho biết, vừa qua, Tập đoàn FPT đã ký kết hợp đồng trị giá 5.000 tỷ đồng với Tập đoàn NVIDIA (Hoa Kỳ) về lĩnh vực công nghệ, bán dẫn cũng như AI. Nhưng, để triển khai, cụ thể hóa các bước thực hiện ra sao, hiện đang rất khó khăn như về kỹ thuật tổ chức, kỹ năng vận hành, nhất là về nhân lực chất lượng cao.

Theo đại diện Tập đoàn FPT, cái khó nhất và cũng là thứ cần nhất của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam lúc này là cần có sự kết nối với những nguồn nhân lực chất lượng cao trên thế giới. Do đó, doanh nghiệp mong muốn, các cơ quan nhà nước có chương trình kết nối với mạng lưới doanh nghiệp, chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Hoàng Nam Tiến dẫn chứng: “Khi trao đổi với các chuyên gia công nghệ là người Việt Nam đang làm việc tại Nhật Bản, họ nói rằng muốn giúp đỡ Việt Nam, nhưng điều kiện là phải cho họ được làm việc đúng nghĩa, tức là giao cho họ bài toàn đủ hay đủ khó để họ làm, chứ không phải về rồi để họ “cưỡi ngựa xem hoa”. Bởi chế độ đãi ngộ tiền bạc chỉ một phần. Thậm chí, có người nói rằng, Việt Nam không thể trả tiền cho họ nhiều bằng các nước khác, song họ vẫn sẵn sàng làm cho Việt Nam, "chỉ cần Việt Nam cho họ có đất để dụng võ". Tức là chúng ta ra bài toán đủ hay đủ khó, đúng vấn đề mà chúng ta cần giải quyết để trao cho họ, để chất xám của họ được dùng đúng chỗ.

Đồng quan điểm, ông David Nguyen, thành viên Ban Cố vấn và công nghiệp Australia (Đại học Macquarie, Australia), cũng cho rằng, môi trường làm việc đóng vai trò rất quan trọng để thu hút nhân tài. Theo ông David Nguyen, giải pháp tối ưu nhất hiện nay đó là Việt Nam nên sử dụng cơ chế hợp tác và chia sẻ theo khuôn khổ của các nội dung quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam với các nước.

“Các chuyên gia người Việt Nam vẫn có thể làm việc tại Australia, Mỹ, Nhật Bản… Thậm chí, các cá nhân khởi nghiệp trong nước cũng nên đăng ký khởi nghiệp ở nước ngoài bởi họ đã có cơ sở hạ tầng kỹ thuật sẵn, thuận tiện. Sau đó, thông qua cơ chế hợp tác, các chuyên gia này quay trở lại để chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức, công nghệ mà họ có được từ môi trường làm việc ở nước ngoài về trong nước. Điều này giúp Việt Nam tiết giảm chi phí đầu tư cũng như vẫn thu hút được chất xám”, ông David Nguyen khuyến nghị.

Tin cùng chuyên mục