Theo chuyên gia David Rothery của Đại học Mở tại Anh, trận sóng thần mới nhất này dường như là kết quả của một sự sụt lún ngầm trong lòng biển của một phần núi lửa Anak Krakatoa (tạm dịch là Con của Krakatoa). Núi lửa này hình thành năm 1928 trong miệng ngọn núi lửa khác có tên Krakatoa, đã từng phun trào năm 1883 và cướp đi sinh mạng của ít nhất 36.000 người. Từ tháng 6 vừa qua, núi lửa Anak Krakatoa đã có dấu hiệu hoạt động mạnh.
Ông cũng ủng hộ quan điểm của chuyên gia Rothery rằng nguy cơ về các thảm họa sóng thần mới tại eo biển Sunda này vẫn ở mức cao khi núi lửa Anak Krakatoa đang trong giai đoạn "thức giấc" và có thể kéo theo các đợt sạt lở ngầm trong lòng biển. Trong tình hình hiện nay, các cơ quan chức năng Indonesia cần có các cuộc khảo sát sóng âm để lập được bản đồ đáy biển khu vực gần núi lửa. Tuy nhiên, công tác này đòi hỏi nhiều tháng để triển khai.
Thảm họa sóng thần tối 22-12 là thảm kịch mới nhất tác động vào Indonesia trong năm qua và đợt sóng thần thứ 3 tấn công nước này trong 6 tháng qua. Trước đó, các trận động đất liên tiếp đã san phẳng nhiều khu vực trên đảo du lịch Lombok, trong khi một thảm họa động đất kèm sóng thần cũng đã khiến hàng nghìn người trên đảo Sulawesi thiệt mạng.
Trận sóng thần mới nhất này đã khiến ít nhất 222 người thiệt mạng trong khi 843 người khác bị thương và 28 người đang mất tích.
BMKG cho biết việc núi lửa Anak Krakatoa phun trào 30 phút trước đó đã gây ra một vụ sạt lở đất ngầm dưới biển, cùng với đợt thủy triều dâng cao thất thường là nguyên nhân dẫn tới thảm họa sóng thần này. Không giống như những vụ sóng thần xảy ra sau các trận động đất thường sẽ kích hoạt hệ thống cảnh bảo, vụ sóng thần lần này xảy ra sau vụ phun trào núi lửa nên cơ quan chức năng có rất ít thời gian để kịp kích hoạt hệ thống cảnh báo sớm.