Theo bác sĩ Vũ Xuân Đán, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (CDC), bụi mịn PM 2.5 là các hạt tìm thấy trong không khí, bao gồm cả bụi, muội, khói, hạt chất lỏng, có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µg/m3 (=1/30 kích thước sợi tóc).
Các hạt bụi này vô cùng nguy hiểm bởi chúng có khả năng đi sâu vào cơ thể ảnh hưởng tới hệ hô hấp, tim mạch và não bộ. Bụi mịn có khả năng xâm nhập sâu vào phổi, thậm chí vào máu nên tác động rất lớn đối với sức khỏe. |
Theo ước tính của WHO, năm 2013 ô nhiễm không khí (có bụi PM 2.5) là nguyên nhân gây ra khoảng 2,9 triệu ca tử vong trên toàn thế giới (nguyên nhân gây tử vong cao thứ 4, cách đây 10-15 năm ô nhiễm không khí là nguyên nhân gây tử vong thứ 13). |
Bên cạnh đó, trong bụi mịn có thành phần là các chất hữu cơ thơm đa vòng (PAH), các kim loại, chất hóa học vô cơ phát sinh do quá trình đốt cháy nhiên liệu trong giao thông và công nghiệp là những chất nguy cơ gây ung thư cao. “Đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng của bụi mịn, ô nhiễm không khí là những người mắc bệnh mãn tính (hen suyễn, hô hấp, tim mạch), người già có hệ miễn dịch suy yếu và đồng thời mắc nhiều chứng bệnh, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh, trẻ em hô hấp nhiều so với khối lượng của cơ thể nên lượng chất độc sẽ tác động nhiều hơn...”, bác sĩ Vũ Xuân Đán cho hay.
Cũng theo bác sĩ Vũ Xuân Đán, bụi mịn có nguồn gốc phát sinh từ rất nhiều nguồn do tự nhiên và nhân tạo nhưng những nguồn gây ô nhiễm chính tại TPHCM là lượng xe cơ giới nhiều, mật độ giao thông cao, thường xuyên kẹt xe khiến khói thải xe cơ giới và sự xáo trộn bụi đã lắng do giao thông gia tăng.
Nếu bắt buộc phải ra đường thì nên mang khẩu trang: các loại khẩu trang thông thường đều có khả năng lọc bụi mịn nhưng không cao, nên mang những loại khẩu trang có kích thước lọc nhỏ như N95 (có thể lọc hạt có kích thước 0,45 um). Bên cạnh đó, cần tăng cường thông thoáng cho khu vực đun nấu, hạn chế đốt nhang, đốt vào những giờ có ít người tiếp xúc, không lựa chọn những nhang có mùi thơm nhiều...