Theo các chuyên gia Australia, quy định tại Luật Đường sắt về niên hạn phương tiện chưa phù hợp với thực tế vận hành và các kế hoạch chuyển đổi phương tiện theo kế hoạch hành động về giảm phát thải trong lĩnh vực giao thông.
Theo thống kê, số lượng đầu máy, toa xe hết niên hạn đến năm 2035 là 140 đầu máy, 275 toa xe khách và 2.081 toa xe hàng. Việc quy định niên hạn như hiện tại có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp kinh doanh vận tải trong việc đầu tư thay thế phương tiện.
Mặt khác, tại Việt Nam, số lượng phương tiện giao thông đường sắt hết niên hạn vẫn còn sử dụng tốt và đảm bảo an toàn. Trong quá trình khai thác, các doanh nghiệp luôn thay thế các vật tư phụ tùng và định kỳ kiểm tra. Hơn nữa, theo mục tiêu chuyển đổi xanh, đến năm 2050, 100% đầu máy, toa xe đường sắt sẽ phải chuyển sang sử dụng điện, năng lượng xanh, đồng nghĩa với việc các phương tiện trên hệ thống đường sắt quốc gia hiện tại sẽ phải thay thế hoàn toàn.
Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị, nên rà soát và sửa đổi Luật Đường sắt theo hướng không quy định về niên hạn phương tiện giao thông đường sắt, chỉ quy định về yêu cầu đánh giá trạng thái và sự phù hợp của phương tiện.
Chủ phương tiện là người chịu trách nhiệm về an toàn của phương tiện. Luật cũng xác định đơn vị đầu mối để thực hiện kiểm tra, đánh giá trạng thái và sự phù hợp của phương tiện.
Hiện các nước như: Hàn Quốc, Pháp và Nhật Bản đều sử dụng quy trình hệ thống quản lý an toàn (SMS) để xác định tần suất kiểm tra và niên hạn của phương tiện. Đây là hệ thống đánh giá rủi ro an toàn khi tiếp tục vận hành phương tiện, dựa trên việc đánh giá hiện trạng của phương tiện và khả năng sử dụng phương tiện trong tương lai.