Chuyển động trong cuộc đua chinh phục vũ trụ

Diễn ra từ ngày 14 đến 18-10 tại thành phố Milan (Italy), Hội nghị quốc tế Hàng không vũ trụ (IAC) thu hút sự quan tâm của dư luận trong bối cảnh cuộc đua chinh phục vũ trụ bước vào giai đoạn cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc trên thế giới và khu vực tư nhân.

Được sáng lập và tổ chức thường niên từ năm 1950, IAC là một sự kiện đặc biệt dành cho tất cả các chuyên gia vũ trụ do Liên đoàn Hàng không vũ trụ quốc tế (IAF) tổ chức. IAC không chỉ giúp người tham dự cập nhật mọi thông tin về không gian và công nghệ vũ trụ mới nhất, mà còn là một nơi kết nối mạng lưới toàn cầu, mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển.

P8b.jpg
Khai mạc Hội nghị quốc tế về Hàng không vũ trụ. Ảnh: X/Clive Simpson

Với sự tham gia của hầu hết 77 quốc gia thành viên của IAF, quy tụ khoảng 8.000 khách mời, hội nghị tập trung vào những chủ đề nóng như thám hiểm Mặt trăng và nhu cầu tự chủ không gian của châu Âu. Theo Chủ tịch IAF Clay Mowry, hội nghị năm nay ghi nhận con số kỷ lục 7.197 báo cáo kỹ thuật, trong đó 37% do các sinh viên và chuyên gia trẻ thực hiện - dấu hiệu của một thế hệ mới đầy năng động và sáng tạo trong ngành. Năm nay, dù căng thẳng địa chính trị gia tăng, IAC vẫn quy tụ 2 đối thủ nặng ký là Mỹ và Trung Quốc. Sự hiện diện của 2 quốc gia này cho thấy dù đối đầu nhưng hai bên vẫn có sự hợp tác. Tuy nhiên, sự vắng mặt của Nga đã làm lộ rõ những rạn nứt trong lĩnh vực không gian.

Hiện Mỹ và Trung Quốc không chỉ dừng lại ở quỹ đạo thấp mà còn chạy đua đưa con người trở lại Mặt trăng, với mục tiêu hoàn thành trước năm 2030. Cuộc cạnh tranh không chỉ nhằm khẳng định sức mạnh công nghệ mà còn nhằm giành lấy các đối tác quốc tế, định hình tương lai của các chương trình không gian tại nhiều quốc gia nhỏ hơn. Trong khi đó, sự phát triển mạnh mẽ của các công nghệ đột phá và cạnh tranh từ khu vực tư nhân đã buộc châu Âu phải điều chỉnh ưu tiên, tập trung vào phát triển tên lửa và vệ tinh. Trong khi tên lửa Falcon 9 của tập đoàn tư nhân SpaceX thống trị lĩnh vực phóng vệ tinh, châu Âu đang khuyến khích các công ty khởi nghiệp phát triển giải pháp phóng rẻ hơn, nhằm giảm phụ thuộc vào Mỹ.

Sau thời gian gián đoạn, châu Âu đã khôi phục năng lực phóng vệ tinh với chuyến bay thử nghiệm tên lửa Ariane 6 vào tháng 7. Tuy nhiên, việc chấm dứt hợp tác với Nga sau chiến dịch quân sự đặc biệt của nước xung đột Ukraine đã để lại khoảng trống lớn, do trước đó, tên lửa Soyuz của Nga đóng vai trò quan trọng trong các sứ mệnh không gian châu Âu.

Ngành sản xuất vệ tinh của châu Âu cũng đang chịu áp lực lớn từ các đối thủ mới. Trước đây, các vệ tinh địa tĩnh lớn là thế mạnh của châu Âu, nhưng sự nổi lên của các chòm vệ tinh quỹ đạo thấp như Starlink đã làm thay đổi toàn bộ cục diện. NASA cũng đang tăng cường hợp tác với các đối tác châu Âu để phát triển các trạm vũ trụ thương mại thay thế ISS. Giám đốc Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) Bill Nelson dự kiến sẽ thúc đẩy chiến lược tìm kiếm sự hỗ trợ quốc tế để thay thế Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) khi trạm này chấm dứt hoạt động vào năm 2030.

Tin cùng chuyên mục