Theo báo cáo chính thức, Indonesia có nhiều tiềm năng về năng lượng tái tạo, lên tới 3.686GW. Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là không dễ dàng. Ngoài sự phụ thuộc nhiều vào than đá, quá trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi vốn đầu tư lớn. Ước tính, Jakarta cần 1.108 tỷ USD đầu tư để đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2060.
Để khuyến khích công nghiệp hóa hệ sinh thái xe điện chạy bằng pin, Indonesia đã ban hành nhiều quy định và ưu đãi tài chính. Các ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lượng tái tạo gồm miễn giảm thuế, khấu trừ thuế và miễn giảm các loại thuế nhập khẩu.
Theo đó, các nhà đầu tư có thể được miễn giảm lên tới 100% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5-20 năm, tùy thuộc vào số tiền đầu tư song ít nhất phải đạt 500 tỷ rupiah (33,3 triệu USD). Ngoài ra, Jakarta còn áp dụng miễn giảm thuế đối với các doanh nghiệp đầu tư từ 100-499 tỷ rupiah.
Theo chương trình này, các nhà đầu tư có thể được giảm tới 50% thuế thu nhập doanh nghiệp trong 5 năm. Các nhà đầu tư cũng có thể được khấu trừ thuế thu nhập ròng của doanh nghiệp lên tới 30% tổng vốn đầu tư trong 6 năm và được miễn 2 năm thuế nhập khẩu nguyên liệu thô. Thời gian miễn thuế nhập khẩu có thể kéo dài đến 4 năm nếu công ty sử dụng máy móc có hàm lượng nội địa tối thiểu 30%.
Trên cương vị Chủ tịch Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) năm nay, Indonesia đưa ra chủ đề cốt lõi là “Cùng nhau phục hồi, phục hồi mạnh mẽ hơn”. Indonesia dự kiến tập trung chương trình nghị sự vào vấn đề biến đổi khí hậu; phát triển bền vững, trong đó có việc chuyển dịch sử dụng năng lượng sạch có khả năng tái tạo.
Ngoài ra, Indonesia còn phát triển hệ sinh thái xe điện chạy bằng pin với mục tiêu sản xuất 600.000 pin ô tô và 1,45 triệu pin cho xe máy cho đến năm 2030. Mục tiêu này được kỳ vọng có thể giảm khoảng 3,8 triệu tấn khí thải CO2.