Chuyển biến từ trên xuống
Đã nhiều năm nay, Công viên 23-9 (được ví là “lá phổi xanh” của thành phố) đã bị cắt nhỏ mặt bằng, biến thành nơi kinh doanh. Mảng xanh công viên cứ bị thu hẹp dần để nhường cho nhà hàng, siêu thị, bến bãi xe buýt và cả công sở. Có nhiều khi người dân không còn lối đi bộ ở công viên này vì nơi đây biến thành khu trung tâm triển lãm lớn để trưng bày, mua bán hàng hóa các loại.
Để trả lại “lá phổi xanh” cho người dân, chính quyền TPHCM đã kiên quyết chỉ đạo chấm dứt việc cho thuê mướn mặt bằng tại Công viên 23-9, di dời toàn bộ các điểm kinh doanh, nhà hàng siêu thị, công sở, bến bãi… ra khỏi công viên. Đây là một chủ trương hợp lòng dân, được nhiều người ủng hộ.
Đây không phải lần đầu tiên chính quyền TPHCM đưa ra chủ trương trả lại không gian xanh Công viên 23-9 cho người dân. Rút kinh nghiệm từ những thất bại trước, lần này việc di dời bắt đầu từ trên xuống dưới, từ cao xuống thấp.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến trực tiếp chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, quyết liệt xử lý những vướng mắc. Việc tiến hành di dời phải bắt đầu từ các sở, ngành đang trực tiếp quản lý sử dụng mặt bằng công viên, cho thuê mặt bằng kinh doanh trong công viên. UBND TP yêu cầu Sở Văn hóa - Thể thao, Sở Giao thông Vận tải, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Du lịch phải tự xử lý, di dời trước để làm gương. Cách làm mới đã tạo được chuyển biến tích cực trong việc di dời.
Đi đầu trong công tác di dời là Sở Tài nguyên và Môi trường. Ngoài việc xem xét để chấm dứt hợp đồng cho thuê đất theo chỉ đạo cấp trên, sở đã chủ động đề xuất di dời Trung tâm Phát triển quỹ đất ra khỏi công viên, chuyển về địa chỉ 177 Lý Chính Thắng (quận 3).
Người dân ủng hộ
Những ngày đầu năm, sự chuyển động từ các sở - ngành đã tác động đến những người lao động tại các điểm kinh doanh trong công viên. Dù nhiều tâm trạng khác nhau, nhưng họ đều có chung ý kiến cần trả lại công viên xanh cho cộng đồng.
Anh Trần Minh Trọng, Cửa hàng trưởng Co.opFood, cho biết: “Mọi người làm ở đây đều biết thông tin các cơ sở kinh doanh sẽ di dời khỏi công viên trước ngày 30-4-2019. Các cửa hàng, điểm kinh doanh trên mặt đất sẽ di dời trước, tầng hầm di dời sau. Cán bộ, nhân viên ở đây đều trong tâm lý sẵn sàng chuyển đi làm nơi khác theo chỉ đạo của cấp trên”.
Một nhân viên cửa hàng Pizza.com chia sẻ: “Từ trước tết, các bạn đã trao đổi với nhau về chỗ làm mới khi tiệm bánh không hoạt động nữa. Chỗ làm đã quen, lại giữa trung tâm thành phố, ai cũng thích nên di chuyển cũng tiếc. Song mọi người đã chuẩn bị chỗ làm mới khi phải di chuyển”.
Chị Nguyễn Thị Hoa (khách hàng thường xuyên của khu siêu thị dưới tầng hầm) cho biết: “Nhà tôi ở bên đường, chỉ mấy bước chân là xuống chợ. Gia đình mua sắm tại đây đã quen. Dời khu chợ đi nơi khác cũng bất tiện cho người dân trong khu vực, vì sẽ phải đi xa để mua hàng. Tuy nhiên, nhiều người mua hàng đều nhận xét các cửa hàng dưới tầng hầm còn tươm tất, chứ lên mặt đất quá lộn xộn. Công viên bát nháo, người dân không còn chỗ để đi bộ, nghỉ ngơi. Do vậy, mọi người ủng hộ, mong muốn thực hiện sớm chủ trương của thành phố để được đi bộ, nghỉ ngơi thoải mái trong công viên.
Hạn cuối để di dời các công trình ra khỏi công viên đang đến gần. Cùng với việc di dời, UBND TP đang tiến hành thi tuyển ý tưởng thiết kế quy hoạch chi tiết 1/500 khu công viên. Với cách làm mới và tinh thần quyết liệt của lãnh đạo TPHCM, chủ trương trả lại “lá phổi xanh” cho môi trường thành phố sẽ kịp về đích.
Vấn đề trở ngại hiện nay, khi một số đơn vị có lợi ích từ việc cho thuê, sử dụng mặt bằng đang tìm cách níu kéo, trì hoãn tiến độ di dời. Vì lợi ích chung, thành phố cần cương quyết, mạnh tay xử lý người đứng đầu các đơn vị còn chần chừ, để chung tay xây dựng công viên xanh - sạch - đẹp.