Đã cầm chai thì không cầm lái
Đảng ủy và chính quyền huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) đã triệt để cấm cán bộ, công chức, người lao động uống rượu bia trong giờ làm việc, cả vào thời điểm nghỉ trưa.
Ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Quý, cho biết: “Quy định này đã được thực hiện nghiêm túc. Cán bộ, công chức vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc. Nơi đây là đảo tiền tiêu, điểm du lịch, thường xuyên có các đoàn từ đất liền ra làm việc và tham quan, nên chúng tôi không uống rượu bia khi tiếp khách cũng ngại mất lòng. Nhưng khi biết địa phương quy định nghiêm như vậy thì cũng không ai nỡ ép”.
Từ ngày 1-1-2010, không phải là “không nỡ ép uống rượu bia”, mà là “không dám ép uống rượu bia”. Điều 5 Luật Phòng chống tác hại của rượu bia quy định rõ các hành vi bị nghiêm cấm. Theo đó, việc xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu bia, hoặc điều khiển phương tiện giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn bị xem là hành vi phạm pháp.
Ông Lâm Duy Thông, tài xế của Doanh nghiệp tư nhân vận chuyển hành khách Mỹ Ngọc, cho biết: “Anh em chúng tôi nhắc nhau dứt khoát đã cầm chai thì không cầm lái. Công ty cũng quy định rất chặt chẽ và xử lý kiên quyết trường hợp lái xe khi đã uống rượu bia, việc này bị xem là gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của công ty. Lái xe khi đã uống rượu bia, nếu CSGT không phát hiện và phạt, thì chủ xe cũng trừ tiền lương. Vì cuộc sống, anh em chúng tôi chấp hành nghiêm túc quy định này”.
Đã có luật thì phải chấp hành
Luật gia Trịnh Phi Long phân tích: “Uống rượu bia trong các đám tiệc hay khi có dịp tụ họp đã thành một thói quen, nhưng khi có Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thì mọi người phải chấp hành”.
Nhiều người khó quen được với việc tiệc mà không có rượu bia, thế nên để không bị xử phạt vì có hơi men khi điều khiển phương tiện giao thông, ngay từ bây giờ nhiều nhóm bạn đã tập thích nghi bằng cách hẹn nhau khi đi đám tiệc hay gặp gỡ, giao lưu thì gọi taxi cùng đi chung, nếu đi một mình thì đặt xe ôm công nghệ.
Ông Trần Mạnh Kha, hiệu phó một trường THCS, nói: “Khi đi tiệc, họp mặt, biết sẽ có uống rượu bia, tôi đặt xe ôm công nghệ để đảm bảo an toàn và không vi phạm luật. Mình là cán bộ quản lý mà không chấp hành thì nói ai nghe”.
Nhiều quán nhậu, nhà hàng cũng đã chuẩn bị biện pháp để đảm bảo an toàn cho thực khách. Ông Trần Toan, chủ một nhà hàng ở khu dân cư Trung Sơn, cho biết: “Từ mấy tháng nay, tôi đã căn dặn quản lý và các nhân viên phục vụ quan tâm việc đi về an toàn của thực khách. Với các thực khách đã ngà ngà say thì nói khách có thể gửi xe lại nhà hàng, hoặc chúng tôi cử nhân viên lái xe đưa khách về nhà. Xe ôm công nghệ bây giờ không thiếu, quán tôi luôn có 2 thanh niên túc trực để sẵn sàng đưa khách về nhà. Tốn thêm khoản này, nhưng như vậy thực khách sẽ được an toàn và có suy nghĩ tốt đẹp về nhà hàng”.