Cơ hội và thách thức
Theo Cục Xuất bản, In và Phát hành, trong năm 2024, tổng doanh số toàn ngành xuất bản, in và phát hành đạt khoảng 99.160 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào ngành in; ngành xuất bản và phát hành chỉ chiếm khoảng 8.700 tỷ đồng. Điều này cho thấy, in vẫn chiếm vị trí chủ đạo của toàn ngành.
Ông Trịnh Hữu Anh, Trường phòng Xuất bản, In và Phát hành (Sở TT-TT TPHCM), cho biết, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, ngành in được xem là một ngành công nghiệp phụ trợ, hiện diện trong tất cả các khâu của quy trình tạo ra thành phẩm để đến người tiêu dùng. Tính đến nay, số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực in ấn bao bì, in xuất bản phẩm, các sản phẩm in khác trên địa bàn TPHCM là khoảng 1.300 doanh nghiệp, chiếm gần 2/3 số doanh nghiệp hoạt động in của cả nước.
“Ngành in là một trong những ngành có khả năng tận dụng thành tựu phát triển khoa học, công nghệ của thế giới để phát triển, và có đầy đủ các yếu tố bắt kịp nhanh với xu hướng chuyển đổi số, kinh tế số mang lại giá trị cao cho kinh tế thành phố và trong khu vực”, ông Trịnh Hữu Anh nhận định.
PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Chủ tịch Hội In TPHCM, cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã tạo ra làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc sang các nước khác, trong đó Việt Nam là điểm đến ưu tiên. Có khoảng 30% các công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ đã di dời sản xuất sang Đông Nam Á, chủ yếu là Việt Nam.
Tuy nhiên, cũng theo PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Việt Nam đang phải chịu áp lực cạnh tranh gay gắt của các trung tâm sản xuất khác trong khu vực châu Á, đặc biệt là Ấn Độ. “Nếu các doanh nghiệp trong nước, trong đó có ngành in, không nhanh chóng đầu tư vào công nghệ mới và tăng cường chuỗi cung ứng nội địa, họ có thể mất đi thị phần vào tay các đối thủ khu vực, làm suy giảm khả năng cạnh tranh của ngành trong dài hạn”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn nhận định.
Bắt kịp các xu hướng
Từ kinh nghiệm hỗ trợ các doanh nghiệp in trong nước và thế giới, ông Vũ Bảo Long, Giám đốc Trung tâm DPS - Công ty CP Phát triển công nghệ TECHPRO, thành viên Hội In TPHCM, cho rằng, xu hướng chuyển đổi số hiện nay đang song hành với xu hướng chuyển đổi xanh. Hai xu hướng này tồn tại song song, luôn đi cùng nhau, tương hỗ nhau và thúc đẩy sự phát triển của nhau.
“Ở thời điểm hiện nay, nhắc đến chuyển đổi số là phải đi kèm với chuyển đổi xanh. Việt Nam đã có những cam kết rất cụ thể đối với chuyển đổi xanh, như đến năm 2050, chúng ta sẽ giảm mức phát thải gây ra hiệu ứng nhà kính về 0. Hiện Chính phủ đã có những nghị quyết, kế hoạch cụ thể về vấn đề này và các doanh nghiệp phải biết tận dụng những ưu đãi, cơ hội, nếu không sẽ không thể bắt kịp đà thay đổi của thị trường”, ông Vũ Bảo Long cho biết.
Theo PGS-TS Ngô Anh Tuấn, một trong những giải pháp cũng là xu hướng cho ngành in năm 2025 chính là áp dụng công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường. Các doanh nghiệp nên sử dụng công nghệ sản xuất sử dụng nguyên liệu tái chế, giảm thiểu phát thải và tiết kiệm năng lượng để đáp ứng nhu cầu của thị trường tiêu dùng xanh, đặc biệt là tại Mỹ và EU. Đây không chỉ là yêu cầu từ các thị trường quốc tế mà còn là xu hướng tất yếu để đảm bảo phát triển bền vững.
“Ngành in và bao bì Việt Nam đang đối mặt với nhiều cơ hội và thách thức trong bối cảnh toàn cầu vào năm 2025. Để phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh, các doanh nghiệp cần đầu tư vào chuỗi cung ứng nội địa, áp dụng tiêu chuẩn quốc tế về sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường. Hiệp hội In Việt Nam đóng vai trò hỗ trợ quan trọng trong việc cung cấp tư vấn, đào tạo và kết nối các đối tác quốc tế, giúp doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững và cạnh tranh hiệu quả trên thị trường quốc tế”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn chia sẻ.
Theo PGS-TS Ngô Anh Tuấn, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với các đối tác lớn như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA).
“Những FTA này giúp doanh nghiệp Việt Nam hưởng lợi từ việc giảm thuế quan và dễ dàng tiếp cận các thị trường lớn. Bộ Công thương Việt Nam ước tính rằng, EVFTA có thể giúp xuất khẩu hàng hóa sang EU tăng trưởng 42,7% trong giai đoạn 2021-2025. Đây là một lợi thế mạnh mẽ cho ngành in và bao bì Việt Nam, giúp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế”, PGS-TS Ngô Anh Tuấn thông tin.