Theo bà Ngô Nguyễn Ngọc Thanh, Phó Chi cục Bảo vệ môi trường, Sở TN-MT, từ năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất và nhập khẩu các mặt hàng như bao bì, phương tiện giao thông, thiết bị điện tử, dầu nhớt… phải thực hiện trách nhiệm tái chế hoặc đóng góp tài chính để xử lý chất thải. Đồng thời, từ năm 2030, các ngành có nguy cơ gây ô nhiễm như dệt may, hóa chất, luyện kim… sẽ phải áp dụng kỹ thuật hiện có tốt nhất nhằm giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên. Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Văn Phước, Chủ tịch Liên hiệp hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về vốn và nhân lực.
Thực tế, doanh nghiệp chuyển đổi xanh sớm có thể tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, như Quỹ Bảo vệ Môi trường Việt Nam cho vay tới 70% vốn đầu tư, lãi suất chỉ 2,6%-3,6%/năm, thời hạn vay không quá 7 năm; Ngân hàng Phát triển Việt Nam cho vay đến 85% vốn đầu tư, với lãi suất khoảng 4,5%-6%/năm. Ngoài ra, doanh nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn “xanh” có thể nhận tài trợ từ các tổ chức quốc tế như ADB, IFC với lãi suất dưới 2%/năm, ân hạn dài.