
Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng chủ trì diễn đàn cùng sự tham gia của lãnh đạo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Tài chính…
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn đang là xu thế tất yếu của thế giới. Việt Nam không đứng ngoài cuộc. Ông khẳng định, khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tích cực tham gia quá trình xanh hóa các ngành kinh tế, đặc biệt là nông nghiệp.
Phó Thủ tướng đưa ra hình ảnh trực quan: một hecta đất trồng ngô (bắp), lúa, sắn (mì) hiện nay chỉ tạo ra khoảng 100 triệu đồng, nhưng nếu ứng dụng công nghệ, phát triển sản phẩm giá trị cao, có thể nâng lên 500 triệu đồng - đồng thời giảm bớt lao động.
Ông chia sẻ kinh nghiệm từ thời còn công tác tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi xây dựng Trung tâm Hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao tại tỉnh Hòa Bình. Dự án này hiện đã chuyển về Bộ Tài chính và được kỳ vọng sẽ là nơi liên kết hiệu quả với các hợp tác xã.
“Những việc gì cần làm, chúng ta phải thực hiện ngay”, Phó Thủ tướng nói và gợi ý có thể tổ chức ngay các diễn đàn về nguồn vốn, chuyển đổi số cho hợp tác xã, đồng thời tận dụng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số đang được Bộ Tài chính triển khai để ứng dụng cho khu vực kinh tế tập thể.
Từ tầm nhìn đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng đề xuất một loạt giải pháp. Với các bộ, ngành và địa phương, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, triển khai hiệu quả Luật Hợp tác xã 2023, thúc đẩy môi trường kinh doanh thuận lợi cho hợp tác xã chuyển đổi mô hình tăng trưởng xanh.
Với Bộ Tài chính, cần thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm: quy định quỹ đất ưu tiên cho hợp tác xã; thúc đẩy tài chính xanh, tạo gói tín dụng riêng cho hợp tác xã chuyển đổi xanh; xây dựng đề án riêng về chuyển đổi số trong hợp tác xã và ban hành quy định về tín chỉ carbon.
Đối với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Phó Thủ tướng nhấn mạnh vai trò nòng cốt: nâng cao nhận thức xã hội về kinh tế tập thể, hỗ trợ kết nối giữa hợp tác xã và doanh nghiệp, hợp tác xã với Chính phủ, mở rộng xúc tiến thương mại, đặc biệt hướng ra thị trường nước ngoài thông qua hợp tác với các đại sứ quán. “Đã đến lúc vươn ra thị trường nước ngoài”, Phó Thủ tướng nói.
Đối với các hợp tác xã, Phó Thủ tướng đề nghị cần có sự chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, dám vượt qua rào cản, đầu tư cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực - yếu tố then chốt đảm bảo thành công.
Diễn đàn lần này cũng định hướng các giải pháp lớn cho khu vực kinh tế tập thể, nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng trên 8% trong năm 2025 và hướng đến hai con số trong năm sau. Tuy vậy, Phó Thủ tướng cũng thẳng thắn nhìn nhận đóng góp của khu vực kinh tế tập thể hiện vẫn còn khiêm tốn, thậm chí có dấu hiệu chậm lại so với tiềm năng.
Theo Phó Thủ tướng, toàn thể hệ thống chính trị, các bộ ngành, địa phương, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và chính bản thân các hợp tác xã cùng nỗ lực, đồng hành để khu vực kinh tế tập thể phát triển mạnh mẽ, đóng góp thiết thực vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có trên 33.500 hợp tác xã hoạt động đa lĩnh vực, đặc biệt trong nông nghiệp - chiếm hơn 64% tổng số hợp tác xã với hơn 3,8 triệu nông dân tham gia.
Còn theo ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), tính đến hết tháng 12-2024, cả nước có 23.556 hợp tác xã nông nghiệp, chiếm 67,8% tổng số hợp tác xã cả nước. Các hợp tác xã ngày càng đóng vai trò trung tâm trong xây dựng vùng nguyên liệu, tổ chức sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn.
Có 2.500 hợp tác xã nông nghiệp đang ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, 4.339 hợp tác xã bao tiêu nông sản, 2.169 hợp tác xã có sản phẩm OCOP, và khoảng 1.500 hợp tác xã tham gia du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, số lượng hợp tác xã đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu xanh, hữu cơ, truy xuất minh bạch vẫn còn hạn chế. Nhiều hợp tác xã vẫn thiếu năng lực quản trị, năng lực thị trường, đầu tư hạ tầng và liên kết chuỗi giá trị.