Theo nghiên cứu mới nhất của Công ty Tư vấn YCP Solidiance với sự hỗ trợ của Hiệp hội Thương mại điện tử Indonesia, thương mại điện tử góp phần đáng kể vào tốc độ tăng trưởng nền kinh tế kỹ thuật số của nước này. 90% tập đoàn lớn đã chuyển sang số hóa, nhưng chỉ có 13% doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) bắt đầu tích hợp công nghệ vào hoạt động của họ.
Nhu cầu khắc phục vấn đề này đặc biệt cấp bách vì MSME là trụ cột của nền kinh tế Indonesia, chiếm hơn 98% các công ty đã đăng ký. Năm 2019, các MSME đã đóng góp hơn 1.055 tỷ USD - tương đương 58% GDP của Indonesia và cung cấp việc làm cho 85% dân số lao động của nước này. 92% MSME được kỹ thuật số hóa của Indonesia tin rằng thương mại điện tử giúp giảm bớt hoạt động hậu cần, và 94% cho biết doanh số bán hàng của họ được cải thiện do các chương trình khuyến mại thương mại kỹ thuật số.
Theo Truyền hình Đức DW, ông Bhima Yudhistira, nhà kinh tế học của Viện Nghiên cứu tài chính và phát triển Indonesia, cho rằng trong vài năm qua, các MSME của nước này đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự tràn ngập hàng hóa từ Trung Quốc, và gần đây là dịch Covid-19. Việc tập trung vào công nghiệp 4.0 mà không cung cấp hỗ trợ cho các MSME có thể dẫn đến các công ty này thua thiệt và không thể cạnh tranh. Công nghiệp 4.0 đòi hỏi lao động có tay nghề cao, năng lực cao trong các ngành kỹ thuật tiên tiến, CNTT, robot và các ngành kỹ thuật khác. Nó cũng cần những người có kỹ năng quản lý và phân tích tốt. Tuy nhiên, theo Cục Thống kê của Indonesia, đến năm 2020, gần 51% người Indonesia từ 15 tuổi trở lên chỉ tốt nghiệp trung học cơ sở. Vì vậy, việc thuê lao động có tay nghề cao trong các lĩnh vực đòi hỏi kỹ năng kỹ thuật tiên tiến sẽ là một thách thức vô cùng lớn.
Mặc dù vậy, Chính phủ Indonesia vẫn lạc quan về việc triển khai công nghiệp 4.0 để đưa Indonesia vào tốp 10 nền kinh tế lớn nhất vào năm 2030. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia Agus Gumiwang Kartasasmita dẫn lại lời Tổng thống Joko Widodo phát biểu tại buổi khai mạc triển lãm kỹ thuật số thế giới Hannover Messe 2021 (diễn ra từ 12 đến 16-4) khẳng định, sự phát triển của công nghiệp 4.0 sẽ đưa Indonesia vào tốp 10 nền kinh tế toàn cầu vào năm 2030.
Ông Kartasasmita nói thêm rằng lộ trình xây dựng công nghiệp Indonesia 4.0 là một sáng kiến chiến lược và chương trình nghị sự quốc gia nhằm phục hồi lĩnh vực sản xuất thông qua ứng dụng công nghệ tiên tiến. Động thái này được cho là sẽ thúc đẩy hiệu quả và chất lượng sản xuất công nghiệp để tăng cường khả năng cạnh tranh của Indonesia trên thị trường toàn cầu.
Năm 2025, ngành công nghiệp 4.0 được đặt mục tiêu đóng góp 133 tỷ USD vào GDP của Indonesia. Với dân số 185 triệu người có khả năng truy cập internet, đứng thứ 4 trên thế giới, Indonesia là quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế kỹ thuật số và công nghiệp 4.0 nhanh nhất ở Đông Nam Á. Theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Indonesia, đến nay Indonesia có 2.193 công ty khởi nghiệp, đứng thứ 5 trên thế giới, trong đó có 5 công ty khởi nghiệp kỳ lân (được định giá trên 1 tỷ USD). Đây là một phần sức mạnh của Indonesia đối với nền công nghiệp 4.0.