Chuyển đổi số trong xuất bản: Nhiều cơ hội, lắm thách thức

“6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán sách trên nền tảng TikTok đạt 600 tỷ đồng. Trong khi đó, tổng doanh thu của cả ngành xuất bản năm 2023 là gần 4.000 tỷ đồng. Điều này cho thấy, ngành xuất bản đang có những cơ hội mới rất quan trọng từ quá trình chuyển đổi số”, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ TT-TT), chia sẻ tại một cuộc tọa đàm về chuyển đổi số trong lĩnh vực xuất bản vừa được tổ chức tại TPHCM.

Động lực cho tăng trưởng

Tính đến nay, cả nước có 24 nhà xuất bản (NXB - tăng 26,3% so với năm 2022), đơn vị phát hành sách được cấp phép xuất bản và phát hành sách điện tử, trong đó có nhiều NXB, đơn vị phát hành tại TPHCM.

CN4 tieu diem.jpg
Đội ngũ nhân viên của Ứng dụng sách nói Voiz FM hướng dẫn khách hàng trải nghiệm sách nói

Không chỉ tăng về số lượng mà doanh thu của xuất bản phẩm điện tử cũng mang đến những tín hiệu lạc quan. Số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành cho thấy: năm 2023, toàn ngành xuất bản có 4.000 xuất bản phẩm dạng điện tử (tăng 19,4% so với năm 2022).

Bên cạnh đó, loại hình sách nói cũng có doanh thu tăng trưởng tốt. Theo số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, trong 2 năm 2022 và 2023, tổng số doanh thu từ sách nói đã đạt khoảng 116,1 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Lazada, Tiki và Sendo… cũng đã mở ra rất nhiều cơ hội cho xuất bản trong nước. Gần đây, hoạt động livestream bán sách với sự tham gia của nhiều KOL (người có ảnh hưởng trên mạng xã hội) cũng diễn ra sôi nổi trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee…

Báo cáo tổng quan ngành hàng sách trên TikTok Shop cho thấy, doanh thu năm 2023 với mặt hàng sách vượt mốc 500 tỷ đồng, tăng trưởng hàng quý ổn định ở mức 15%. Phiên livestream trên TikTok ghi nhận doanh thu cao nhất năm 2023 đạt gần 300 triệu đồng và đã bán ra hơn 2.000 cuốn sách chỉ trong vòng 3 giờ.

Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu bán lẻ trực tuyến qua các sàn TMĐT tại Đường sách TPHCM chiếm 21% trong tổng số doanh thu 28,87 tỷ đồng. Riêng tại NXB Tổng hợp TPHCM, theo chia sẻ của bà Ông Thị Ngọc Linh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập NXB Tổng hợp TPHCM, những ngày đầu tham gia trên các sàn TMĐT doanh thu rất thấp nhưng hiện đã phát triển tốt, chiếm đến 26% trên tổng doanh thu nửa đầu năm 2024 của đơn vị. “Chúng tôi đang dự tính đẩy mạnh hướng phát hành trên các sàn TMĐT để có sự đột phá trong tăng trưởng doanh thu”, bà Ngọc Linh cho biết.

NXB Tổng hợp TPHCM là một trong những đơn vị tham gia vào lĩnh vực xuất bản phẩm điện tử từ khá sớm, bắt đầu từ năm 2012. Từ kinh nghiệm của đơn vị, bà Ông Thị Ngọc Linh đúc kết: “Chuyển đổi số đã mang lại cho ngành xuất bản cơ hội mở rộng thị trường. Việc xuất bản sách điện tử, sách nói và xây dựng các nền tảng đọc trực tuyến không chỉ giúp chúng tôi mở rộng thị trường mà còn phá vỡ mọi rào cản địa lý. Do đó, việc xuất bản sách hiện nay không chỉ dành cho bạn đọc Việt Nam hay trong phạm vi TPHCM mà còn ở rất nhiều nơi trên thế giới qua những nền tảng khác nhau”.

Chuyển đổi số, không chỉ có công nghệ

Ngoài tình trạng vi phạm bản quyền đang diễn ra tràn lan trên không gian mạng, từ góc độ của một người nghiên cứu, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc NXB Trẻ, cho rằng, một trong những thách thức lớn hiện nay đối với ngành xuất bản chính là nhân lực. Theo bà Thu Nguyệt, công tác đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số hiện rất chậm, xuất hiện tình trạng thiếu hụt từ cán bộ quản lý cho đến người làm công tác biên tập.

CN1f.jpg
Hình thức livestream bán sách đang mở ra nhiều cơ hội cho các đơn vị xuất bản trong nước

“Chúng ta có những chương trình đào tạo để bổ sung kỹ năng nghề nhưng thực chất vẫn chỉ như... cưỡi ngựa xem hoa. Việc đào tạo nhân lực xuất bản chủ yếu hướng đến nhu cầu xuất bản kiểu cũ mà thiếu vắng hẳn việc đào tạo nguồn nhân lực có thể làm chủ công nghệ. Đây là thách thức lớn cần phải vượt qua nếu chúng ta muốn phát triển trong thời đại hiện nay”, TS Quách Thu Nguyệt bày tỏ.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, cho rằng, khi nhắc đến chuyển đổi số, chúng ta không nên chỉ chăm chăm vào công nghệ mà vấn đề quan trọng không kém là nhận thức và nguồn nhân lực.

Theo ông Nguyên, vấn đề nhận thức trong chuyển đổi số là câu chuyện mang tính quyết định. Ngoài nhận thức về sự cần thiết của chuyển đổi số, quan trọng hơn là điều đó được giải quyết bằng bài toán thế nào trong thực tiễn, để công cuộc chuyển đổi số mang lại hiệu quả cao nhất.

“Hiện chưa có nhiều biên tập viên được đào tạo đủ tốt để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số nên rất cần những kỹ sư công nghệ. Biên tập viên có thể thu hẹp lại với những người có năng lực chuyên môn thực sự, để làm những công việc mà ChatGPT không làm được, đó là ý tưởng, là sáng tạo. Chúng ta không nên chỉ nghĩ đến công nghệ mà chuyển đổi số còn nằm ở những người quản lý tài chính hay phụ trách các bộ phận khác. Có như vậy mới tạo ra sự đồng bộ trong quá trình chuyển đổi số”, ông Nguyễn Nguyên cho biết.

Còn theo bà Ông Thị Ngọc Linh, để thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số trong ngành xuất bản, thì sự hợp tác giữa NXB với các nhà cung cấp dịch vụ công nghệ, đơn vị giáo dục là vô cùng cần thiết. Bởi việc xây dựng một hệ sinh thái số đòi hỏi sự kết hợp chặt chẽ giữa các nguồn lực, kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau.

Thông qua hợp tác, các đơn vị có thể cùng nhau phát triển các nền tảng đọc sách điện tử hiện đại, đa dạng hóa các loại hình sản phẩm, đồng thời tạo ra một cộng đồng đọc số sôi động và bền vững.

An toàn thông tin là yếu tố sống còn của chuyển đổi số

Anh Lê Hoàng Thạch, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ WeWe, đơn vị sản xuất sách nói Voiz FM, cảnh báo: “Những lĩnh vực mới sẽ phát sinh những vấn đề mới. Gần đây, chúng tôi và nhiều doanh nghiệp phải đối diện với nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến ngày càng khó lường.

Hình thức phổ biến nhất là giả mạo cảnh báo từ các nền tảng quảng cáo như YouTube hay Facebook để dụ dỗ nhấn vào các đường dẫn nguy hiểm hòng thâm nhập vào hệ thống thông tin. Hay gần đây, bắt đầu xuất hiện những đối tượng (thường là từ nước ngoài) mạo nhận làm tác giả hoặc doanh nghiệp hợp tác nội dung để dụ dỗ phát tán các nội dung lừa đảo tiền số, đánh bạc.

Trong thời đại chuyển đổi số, nếu không thể đảm bảo an toàn thông tin sẽ không thể tồn tại chứ chưa nói đến việc phát triển. Do đó, an toàn thông tin phải được xem là một yếu tố sống còn trong chuyển đổi số hiện nay”.

Tin cùng chuyên mục