Tham dự có Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm và hơn 300 đại biểu là chuyên gia, nhà quản lý của các học viện, trường đại học, doanh nghiệp và trường nghề trên địa bàn thành phố.
Phó giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM Nguyễn Văn Lâm phát biểu đề dẫn
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM cho rằng, việc chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp (GDNN) nhằm triển khai các hoạt động GDNN trên môi trường số; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phương pháp và hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá... giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức, cơ hội tiếp cận để tạo ra đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
PGS-TS Nguyễn Đình Thuân
Trong gần 20 tham luận và hiến kế được nêu ra tại hội thảo, PGS-TS Nguyễn Đình Thuân, Trường Đại học Công nghệ thông tin, ĐHQG TPHCM lưu ý, chuyển đổi số trong bất cứ lĩnh vực nào cũng đòi hỏi người lãnh đạo của đơn vị đó phải có tầm nhìn, đi trước, chứ không phải khoán trắng cho cấp dưới, cơ sở; không được chủ quan cho rằng chuyển đổi số là thiên về áp dụng công nghệ vào các hoạt động, lĩnh vực, mà quên mất rằng công nghệ có phát triển đến đâu thì yếu tố con người vẫn đóng vai trò quyết định cho công cuộc chuyển đổi số. Vì vậy, đối với lĩnh vực GDNN, cán bộ quản lý và thầy cô giáo là quan trọng nhất, hình thức dạy và học khác chỉ bổ sung, hỗ trợ, không thay thế được giáo viên.
TS Huỳnh Thanh Điền
Còn TS Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, trước hết các cơ sở GDNN phải nhận định được hạn chế lớn nhất của chính mình, đó là chương trình đào tạo còn chậm đổi mới theo hướng ứng dụng các nền tảng công nghệ trong thực hiện các thao tác nghề nghiệp, dẫn đến kiến thức và kỹ năng của học viên sau tốt nghiệp không được vận dụng ở thực tiễn doanh nghiệp, yếu kém trong kỹ năng tương tác với thị trường.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng chậm cập nhập kỹ năng ứng dụng công nghệ 4.0 trong thực hành kỹ năng nghề nghiệp cũng là nguyên nhân làm gia tăng thêm khoảng cách giữa đào tạo với thực tiễn hoạt động sản xuất kinh doanh.
Từ nhận định trên, TS Huỳnh Thanh Điền nhấn mạnh, ở góc độ quản lý nhà nước, cụ thể là Sở LĐTB-XH TPHCM phải làm được 3 việc:
Thứ nhất, chuyển đổi số, chính sách thúc đẩy và đưa ra các quy định thuộc thẩm quyền của thành phố và sở.
Kế đến, cơ sở GDNN phải có lộ trình cụ thể về chuyển đổi số cho từng ngành, nghề. Tiếp đó sử dụng phần mềm để quản lý đào tạo, cơ sở vật chất, quản lý học sinh, sinh viên; chú trọng đến dữ liệu dùng chung (dữ liệu phục vụ cho giảng dạy và dữ liệu phục vụ cho quản lý nhà nước về nghề).
Cuối cùng là phải có cơ chế phù hợp giữa trường nghề với doanh nghiệp để giúp trường nghề đưa sinh viên đến thực hành, thực tập, cũng như có việc làm ngay sau khi các em tốt nghiệp.
“Đây sẽ là các thông tin hữu ích giúp Sở LĐTB-XH TPHCM tổng hợp, tham mưu cho UBND TP các chương trình, kế hoạch chuyển đổi số trong lĩnh vực GDNN phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay”, ông Đặng Minh Sự, Trưởng phòng GDNN - Sở LĐTB-XH TPHCM kết luận.
Toàn cảnh hội nghị
* Chiều cùng ngày, Sở LĐTB-XH TPHCM tổ chức Hội nghị sơ kết chính sách, pháp luật về GDNN giai đoạn 2015-2022 trên địa bàn TPHCM. Tại đây, các đại biểu đã có tham luận, nghiên cứu, rà soát, đánh giá những kết quả đạt được, cũng như vướng mắc, hạn chế trong quá trình triển khai. Từ đó, đưa ra cái nhìn tổng thể để tìm giải pháp nâng cao hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về GDNN; kiến nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật về GDNN nhằm đổi mới và phát triển GDNN tiếp cận với GDNN các nước phát triển trong khu vực, thế giới và phù hợp với thực tiễn. Đồng thời, tiếp tục rà soát, đánh giá mối quan hệ giữa những chính sách, pháp luật về GDNN với những chủ trương, chính sách, Nghị quyết của Đảng.