Chuyển đổi số toàn diện - nền tảng cho Đô thị thông minh - Bài 1: “Chạm tay” vào nền hành chính không giấy tờ

Với một chiếc điện thoại thông minh có kết nối internet, người dân TPHCM ngồi bất kỳ chỗ nào vẫn có thể nộp, nhận kết quả giải quyết hồ sơ. Chính quyền TPHCM xác định sẽ tiếp tục đẩy mạnh số hóa hồ sơ, mở rộng dịch vụ công trực tuyến và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính (TTHC) không cần thiết, qua đó giảm thiểu tối đa thời gian, chi phí của xã hội.

Người dân tra cứu thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG
Người dân tra cứu thủ tục hành chính trực tuyến tại Trung tâm hành chính công TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: THU HƯỜNG

LTS: Chuyển đổi số đã và đang đi vào mọi ngóc ngách đời sống xã hội của TPHCM. Doanh nghiệp, người dân tương tác, giao tiếp với cơ quan công quyền một cách thuận tiện, dễ dàng và minh bạch thông qua các dịch vụ công trực tuyến. Cổng dữ liệu “mở” của thành phố phục vụ hiệu quả các cơ quan nhà nước và chia sẻ dữ liệu cho người dân, doanh nghiệp... Những kết quả này là nền tảng để thành phố đặt mục tiêu “chuyển đổi số toàn diện về chính quyền số, cơ sở bền vững thúc đẩy kinh tế số, xã hội số và phát triển đô thị thông minh”.

Hình thành thói quen số

Gần một tháng sau khi sinh con, chị Đoàn Thị Thu Hương (ngụ quận 12, TPHCM) vào ứng dụng VNeID, đăng ký làm giấy khai sinh cho con qua cổng dịch vụ công trực tuyến. Chỉ mất 10 phút sao chụp các loại giấy tờ, viết tờ khai, chị Hương đã hoàn tất khâu nộp hồ sơ và nhận được thông báo thời gian trả kết quả. Chưa đầy một tuần sau, chị Hương nhận được kết quả mà không tốn bất kỳ lệ phí nào.

Điều chị Hương cảm thấy hài lòng là chỉ thực hiện thủ tục trực tuyến một lần nhưng nhận được đến 3 kết quả, gồm: giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế và đăng ký thường trú cho con. “Tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều thủ tục như vậy để người dân chỉ cần thao tác trên môi trường số, không phải đi lại nhiều để thực hiện các TTHC”, chị Hương bày tỏ.

Mới đây, ông Nguyễn Hữu Tuyền (ngụ quận 1) nộp hồ sơ xác nhận tình trạng hôn nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Sau vài phút, ông đã hoàn thành đăng ký trực tuyến và được hẹn có kết quả sau 3 ngày làm việc. Ông cũng không phải nộp bất kỳ lệ phí nào vì thủ tục này nằm trong số các TTHC được UBND TPHCM áp dụng mức phí 0 đồng.

Theo bà Phan Kiều Thanh Hương, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TPHCM, TPHCM có 121 loại hồ sơ TTHC áp dụng mức phí 0 đồng. Từ khi thực hiện chính sách này, thành phố ghi nhận số lượng hồ sơ trực tuyến tăng hơn trước. Cụ thể, từ ngày 1-6 đến ngày 15-10-2024, TPHCM tiếp nhận 347.683 hồ sơ, trong đó 242.828 hồ sơ trực tuyến (tỷ lệ 69,84%), tăng 33,60% so với cùng kỳ năm 2023.

Bà Phan Kiều Thanh Hương khẳng định, thực hiện dịch vụ công trực tuyến không chỉ giúp người dân, doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại mà còn giúp các cơ quan nhà nước giải quyết công việc một cách nhanh chóng, khoa học, công khai và nâng cao tinh thần trách nhiệm, tránh sự phiền hà, nhũng nhiễu của công chức thực thi công vụ.

Ông LÂM ĐÌNH THẮNG, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM: Đưa kiến thức chuyển đổi số đến từng người dân

TPHCM thông qua các kênh truyền thông đại chúng, mạng xã hội, các sự kiện cộng đồng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến kiến thức về chuyển đổi số, lợi ích của việc sử dụng các dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, thành phố xây dựng mạng lưới Tổ công nghệ số cộng đồng, với trên 11.000 thành viên phủ khắp các địa phương, trực tiếp hỗ trợ người dân về cách sử dụng thiết bị số và các ứng dụng cơ bản.

Thành phố cũng tập trung xây dựng hạ tầng số rộng khắp, đảm bảo chất lượng mạng lưới internet, viễn thông ổn định và tốc độ cao, đồng thời liên tục hoàn thiện dịch vụ công trực tuyến. TPHCM đã ra mắt 6 nền tảng số mới, chuyển toàn bộ quy trình thủ tục lên nền tảng số, ban hành danh mục 47 cơ sở dữ liệu dùng chung và công bố 91 tập dữ liệu “mở” thuộc 12 lĩnh vực.

Đưa nền hành chính lên môi trường số

TPHCM đang tập trung thực hiện Chương trình “Chuyển đổi số của TPHCM” và Đề án “Xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh”, gắn với cải cách TTHC, nâng cao chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp. Trong các cuộc làm việc với sở, ngành, địa phương, lãnh đạo TPHCM nhiều lần yêu cầu “cự tuyệt” văn bản giấy, tăng cường sử dụng chữ ký số, văn bản điện tử.

D3b.jpg
Hành khách đang tự làm thủ tục check-in tại sân bay Tân Sơn Nhất, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

TPHCM đã cụ thể hóa yêu cầu đó bằng việc thí điểm xây dựng Trung tâm Phục vụ hành chính công từ ngày 1-10-2024 (chính thức hoạt động từ ngày 1-1-2025). Trung tâm Phục vụ hành chính công vận hành trên cơ sở hệ thống thông tin giải quyết TTHC của TPHCM kết nối với Cổng dịch vụ công quốc gia, các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, các hệ thống nền tảng dùng chung.

Trung tâm sẽ tiếp nhận TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính, giảm đầu mối bộ phận một cửa và áp dụng hiệu quả việc số hóa, khai thác, tái sử dụng dữ liệu đã được số hóa. Người dân, doanh nghiệp yêu cầu giải quyết TTHC cũng không phải khai, nộp thông tin, giấy tờ cơ quan nhà nước đã có và quản lý ở dạng điện tử.

Trước đó, từ ngày 1-8-2024, UBND TPHCM đã chuyển sang tiếp nhận văn bản điện tử, không tiếp nhận văn bản giấy của các cơ quan, đơn vị gửi đến (trừ một số hồ sơ đặc biệt).

Chánh Văn phòng UBND TPHCM Đặng Quốc Toàn cho hay, tính từ ngày 1-8 đến ngày 8-10, UBND TPHCM đã tiếp nhận 20.365 hồ sơ, trong đó có 16.980 hồ sơ điện tử (chiếm gần 84%); phát hành hơn 8.380 văn bản, trong đó hơn 7.300 văn bản điện tử (chiếm hơn 87%). Thành phố cũng đã phê duyệt 1.048/1.641 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, cắt giảm được hơn 3.480 giờ làm việc. Việc tiếp nhận, xử lý văn bản điện tử được thực hiện nhanh chóng, thuận tiện, hạn chế hồ sơ chậm, quá hạn trên hệ thống.

Cùng với văn bản điện tử, Văn phòng UBND TPHCM vận hành hệ thống quản lý văn bản và hồ sơ công việc, theo dõi việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Thường trực UBND TPHCM. “Thường trực UBND TPHCM hiện có thể xử lý hồ sơ ở bất cứ đâu mà không cần chờ trình văn bản giấy”, ông Đặng Quốc Toàn nhấn mạnh.

Ở cấp độ địa phương, bà Phạm Thị Thanh Hiền, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi, thông tin, từ đầu năm 2024, UBND huyện đã triển khai giải pháp nâng cao chỉ số chuyển đổi số của huyện đối với từng tiêu chí. Hiện nay, các đơn vị đã áp dụng chữ ký số vào hoạt động giải quyết TTHC, thực hiện việc số hóa, trả kết quả điện tử qua hệ thống thông tin giải quyết TTHC TPHCM.

Tại TP Thủ Đức (TPHCM) cũng đã thí điểm mô hình “Khu phố thông minh”, hình thành các điểm truy cập wifi miễn phí dọc các tuyến đường lớn, điểm sinh hoạt công cộng tại khu phố hoặc xung quanh chung cư...

UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06).

Theo đó, TPHCM là địa phương đầu tiên trong cả nước hoàn thành số hóa 4 loại sổ hộ tịch: sổ đăng ký kết hôn, số đăng ký khai sinh, số đăng ký khai tử và sổ đăng ký nhận cha, mẹ, con, với tổng số hơn 12,8 triệu hồ sơ. Tất cả dữ liệu số hóa sổ hộ tịch của TPHCM đã được đồng bộ với Cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp từ ngày 15-6-2022.

TPHCM thực hiện cấp bản sao trích lục kết hôn, khai sinh, khai tử, đăng ký nhận cha, mẹ, con từ kho dữ liệu dùng chung của thành phố cho người dân mà không còn phụ thuộc vào nơi đã đăng ký, nơi lưu trữ sổ hộ tịch và nơi cư trú. TPHCM đã tạo lập kho dữ liệu dùng chung của thành phố với 45 nhóm cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực.

Đến ngày 20-9-2024, Chủ tịch UBND TPHCM phê duyệt 1.180/1.695 quy trình nội bộ đã được tái cấu trúc, trong đó cắt giảm về thời gian giải quyết TTHC hơn 3.512 giờ làm việc; đơn giản hóa các bước giải quyết TTHC với 1.180 quy trình nội bộ được cắt giảm từ 1-2 bước. TPHCM đã phê duyệt 966 danh mục TTHC thực hiện dịch vụ công trực tuyến, trong đó 611 dịch vụ công toàn trình và 335 dịch vụ công một phần; phê duyệt 1.695 quy trình nội bộ giải quyết TTHC...

Tin cùng chuyên mục