TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, cho biết, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52 ban hành ngày 29-7-2019 về một số chủ trương chính sách để chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, trong đó phát triển kinh tế số là một vấn đề cốt lõi. Trên cơ sở đó, mỗi tổ chức, DN cần chủ động tham gia vào nền kinh tế số, để phát triển chính DN và góp phần vào sự phát triển chung.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến có cùng quan điểm rằng đại dịch Covid-19 đã thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế số đi nhanh hơn. Việt Nam vừa khống chế được đại dịch vừa ứng dụng, phát triển phương thức trực tuyến trong điều hành, làm việc, đào tạo của cả cơ quan quản lý, DN, trường học. Hiện nay, phổ biến nhất trong các DN là số hóa trong lưu trữ, xử lý dữ liệu từ sản xuất đến đưa sản phẩm ra thị trường; theo dõi phản hồi và quay trở lại điều chỉnh sản xuất khi cần thiết. Cùng với đó, thương mại điện tử, giao dịch kinh tế không tiền mặt ngày càng phát triển tại Việt Nam, tạo cơ hội cho các DN kịp thời nắm bắt, ứng dụng các công cụ của kinh tế số.
Ông Nguyễn Việt Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp - TNHH MTV Becamex, nhìn nhận, các DN kinh tế số đóng vai trò quan trọng và rất rõ ràng. Đến nay, Becamex sử dụng số hóa hoàn toàn, giúp công việc “chạy” nhanh hơn tới 600%, trong khi chi phí giảm từ 50%-60%.
Để thúc đẩy kinh tế số phát triển, ông Nguyễn Việt Long cho rằng, cần môi trường đổi mới sáng tạo để mọi người cùng làm, đặc biệt với các tỉnh, thành cần đầu tư vào băng thông rộng, đường truyền rộng còn quan trọng hơn là chúng ta đầu tư xây dựng một con đường lớn. Phải có dữ liệu dùng chung, thúc đẩy quản lý, trong đó các bên phải hiểu được văn hóa số thì mới thúc đẩy kinh tế số phát triển nhanh và bền vững. Trong quá trình áp dụng, cần thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, chúng ta không thể thực hiện một cách vội vàng nhưng cũng không thể chậm chạp sẽ đánh mất cơ hội mà cần có lộ trình triển khai phù hợp.
PGS-TS Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, lưu ý, kinh tế số đang diễn ra rất nhanh và mạnh mẽ trong khi tay nghề lao động của chúng ta đang ở mức thấp. Để giải quyết tốt mặt trái của kinh tế số khiến tình trạng thất nghiệp gia tăng, có thể Việt Nam cần có những bước đi uyển chuyển phù hợp với tình hình. Nếu 63 tỉnh, thành cùng làm thì tốc độ thực hiện sẽ nhanh hơn, trong đó TPHCM phải thể hiện là trung tâm của quá trình chuyển đổi số.
Theo nghiên cứu của Trung tâm Kinh doanh toàn cầu của Đại học Tufts (Mỹ), năm 2018, Việt Nam đang đứng vị trí 48/60 quốc gia có tốc độ chuyển đổi số nhanh trên thế giới, đồng thời đứng vị trí 22 về tốc độ số hóa. Nếu năm 2019 kinh tế số Việt Nam đạt 12 tỷ USD, dự kiến sẽ bứt phá lên 43 tỷ vào năm 2025. Những con số này chứng tỏ, đã có sự thay đổi lớn trong mô hình kinh doanh của các DN Việt Nam, là bước ngoặt giúp kinh tế Việt Nam lên tầm cao mới. |