Chiều 14-12, tại Hà Nội, Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 chính thức được khai mạc. Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA), Cục Tin học hóa (Bộ TT-TT) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức. Chương trình sẽ diễn ra trong hai ngày 14 và 15-12 với sự tham gia của trên 2.000 đại biểu trực tiếp và trên 10.000 khán giả theo dõi trực tuyến trên website chương trình tại http://dxdat.vinasa.org.vn, kênh youtube và facebook của VINASA. Riêng phiên khai mạc chiều 14-12 có sự tham dự của trên 700 đại biểu.
Phiên khai mạc Diễn đàn cấp cao Công nghệ thông tin và truyền thông - Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020 diễn ra chiều 14-12 tại Hà Nội. Ảnh T.B
Với chủ đề “Chuyển đổi số quốc gia: Chia sẻ và Kết nối”, chương trình là hoạt động thiết thực đồng hành cùng Chính phủ đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, thực hiện chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3-6-2020; góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp.
Các cấu phần trong quá trình thực hiện chuyển đổi số quốc gia hiện nay. Ảnh T.B
Theo nghiên cứu từ năm 2017 của Microsoft tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tác động mà chuyển đổi số mang lại cho GDP năm 2017 là khoảng 6%, năm 2019 được dự đoán là 25% và tới năm 2021 là 60%. Chuyển đổi số cũng làm tăng năng suất lao động 15% trong năm 2017, dự kiến 2020 là 21%; 85% công việc trong khu vực sẽ bị biến đổi trong ba năm tiếp theo.
Công ty nghiên cứu thị trường McKensey thì chỉ ra rằng, vào năm 2025, mức độ tác động của chuyển đổi số tới GDP của nước Mỹ là khoảng 25%, còn ở các nước châu Âu là khoảng 36%. Còn theo một khảo sát từ Singapore, nếu các nước ASEAN chuyển đổi số mạnh mẽ, năm 2030 GDP ASEAN có thêm 1.000 tỷ USD. Đối với Việt Nam, GDP năm 2030 sẽ tăng 100 tỷ USD. Theo khảo sát của VINASA với trên 500 doanh nghiệp, tổ chức tham gia Diễn đàn cấp cao CNTT-TT – Ngày Chuyển đổi số Việt Nam 2020, 3 yếu tố thách thức nhất trong chuyển đổi số gồm: Quyết tâm của lãnh đạo tổ chức; Chi phí, thời gian, nguồn lực; Cách thức chuyển đổi số như thế nào thì phù hợp với tổ chức. Bảo mật an toàn thông tin là yếu tố thách thức có lựa chọn cao thứ 4 trong khảo sát.
Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng phát biểu tại phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh T.B
Phát biểu tại phiên khai mạc, Thứ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Huy Dũng cho biết, chuyển đổi số chỉ thành công nếu toàn dân tham gia. Nghĩa là, công nghệ số, dịch vụ số phải được phổ cập, kèm theo đó là dịch vụ an toàn, an ninh mạng cũng phổ cập, nghĩa là giá thành rẻ, dễ sử dụng, tiện ích cho mọi người. Vì vậy, mỗi cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp hãy nhanh chóng hoạch định cho mình một bản chiến lược và kế hoạch hành động thực hiện chuyển đổi số. “Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số; đi từ ứng dụng, đến sản phẩm, dịch vụ, đến làm chủ một số công nghệ lõi, từ đó, vươn ra thị trường toàn cầu. Doanh nghiệp công nghệ lớn, hãy tập trung vào việc phát triển hạ tầng và các nền tảng, tạo không gian để trên đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động, kết nối kinh doanh và đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra hệ sinh thái ứng dụng và dịch vụ đa dạng, bền vững với sự tham gia của nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Các địa phương hãy tập trung phát triển các doanh nghiệp tư vấn ứng dụng công nghệ số, mang công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống tại địa phương”, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nhấn mạnh.
Các đại biểu tham quan, tìm hiểu về những nền tảng công nghệ số được giới thiệu tại diễn đàn. Ảnh T.B
Cũng trong phiên khai mạc, nhiều thông tin hữu ích cũng được chia sẻ như: Định hướng, kết quả đạt được và các chính sách thúc đẩy sáng tạo của Hàn Quốc trong cách mạng 4.0 (Chương trình I-Korea 4.0); Chính sách chuyển đổi số các ngành công nghiệp và hạ tầng mới của Trung Quốc; Chính sách phát triển kinh tế số với 2 chương trình lập quỹ thúc đẩy tiến trình số hoá quốc gia và các dịch vụ thúc đẩy doanh nghiệp sáng tạo, vườn ươm công nghệ của Malaysia; Chương trình 5G của New Zealand để thúc đẩy kinh tế số.
GS-TS Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Kinh tế quốc dân trình bày nghiên cứu “Cải thiện năng suất lao động trong bối cảnh kinh tế số”. Các doanh nghiệp đầu ngành của Việt Nam như VNPT, FPT, MISA cũng có phần chia sẻ những kinh nghiệm, thuận lợi khó khăn khi triển khai các giải pháp chuyển đổi số với các cơ quan chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp.
Chủ tịch VINASA Trương Gia Bình phát biểu tại diễn đàn. Ảnh T.B
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA nhận định: "Mỗi bộ ngành, mỗi doanh nghiệp có sự quan tâm đầu tư và xây dựng “kịch bản” riêng cho lộ trình chuyển đổi số của mình. Qua những chia sẻ tại diễn đàn này, có thể thấy yếu tố tiên quyết mang lại thành công trong chuyển đổi số chính là tầm nhìn và quyết tâm thực hiện của các tổ chức, doanh nghiệp".
Ông Trương Gia Bình cũng đặt kỳ vọng, qua diễn đàn lần này, sẽ bồi đắp thêm vào không gian tri thức chuyển đổi số những kinh nghiệm thực tiễn sống động và các giải pháp hiệu quả để cộng đồng doanh nghiệp Việt có thể tham khảo, lựa chọn cho hành trình của mình, qua đó tích cực kết nối hợp tác cung - cầu về chuyển đổi số, phục vụ đắc lực cho quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.