Chuyển đổi số phải thực chất, hiệu quả

Chiều 30-1, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo Chuyển đổi số TPHCM (CĐS TPHCM) thông qua Kế hoạch triển khai Chương trình CĐS và Đô thị thông minh thành phố năm 2024.

Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG

Nhiều kết quả nổi bật

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng báo cáo kết quả CĐS năm 2023 và các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số và Đề án đô thị thông minh TPHCM năm 2024.

Theo đó, TPHCM đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Trung tâm dữ liệu và hạ tầng điện toán đám mây thành phố được nâng cấp, duy trì đáp ứng yêu cầu năng lực, tài nguyên với trên 1.000 máy chủ cho hệ thống thông tin chính quyền điện tử thành phố. Hệ thống mạng chuyên dùng được kết nối, mở rộng liên thông từ thành phố đến cấp xã, phường, TP Thủ Đức và các đơn vị trực thuộc với trên 800 điểm kết nối. Thành phố cũng hình thành 8 kho dữ liệu lớn. Đặc biệt cổng dữ liệu của Thành phố được kết nối, chia sẻ dữ liệu với các sở, ban, ngành, địa phương đồng thời liên thông với các cơ sở dữ liệu quốc gia; cung cấp dữ liệu mở cho người dân, doanh nghiệp.

dsc-1987-5769.jpg
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng báo cáo kết quả chuyển đổi số năm 2023. Ảnh: CAO THĂNG

Ông Lâm Đình Thắng chia sẻ: Đến nay, 100% các cơ quan nhà nước thuộc thành phố đã triển khai Thư điện tử công vụ; Hội nghị truyền hình trực tuyến; Hệ thống Quản lý văn bản, tài liệu điện tử; Hệ thống thư mời họp, lịch công tác; Hệ thống tổng hợp thông tin phục vụ chỉ đạo điều hành. Hoàn thành đưa vào vận hành nền tảng hệ thống thông tin Giải quyết thủ tục hành chính tập trung và Cổng dịch vụ công thành phố. Thành phố đã tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường số đạt 740 dịch vụ công trực tuyến (460 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 280 dịch vụ công trực tuyến một phần). Kinh tế số TPHCM ước tính đạt 18,22% GRDP thành phố…

Tuy nhiên, thành phố cũng có các vấn đề đặt ra: Các quy định, quy trình giữa các bộ ngành, địa phương, đơn vị chưa đồng bộ, còn bất cập khi chuyển từ “giấy” qua “số”. Hạ tầng CNTT, mạng nội bộ, đặc biệt cấp phường xã,thị trấn cần rà soát, nâng cấp để đảm bảo liên thông hệ thống TPHCM thông suốt. Tiến độ số hóa, xây dựng cơ sở dữ liệu còn chậm, dữ liệu mở chưa tạo được động lực để tạo hệ sinh thái sáng tạo, đổi mới và ứng dụng AI. Ứng dụng chuyên ngành còn rời rạc, chưa có các nền tảng chung, thống nhất, vẫn còn phần mềm (cũ) chưa liên thông, thống nhất biểu mẫu - quy trình- dữ liệu tuân thủ theo Kiến trúc Chính quyền đô thị TPHCM.

Chính vì vậy ở năm 2024, Thành phố tiếp tục rà soát hạ tầng CNTT, đơn vị được rà soát nâng cấp liên thông đến phường xã, thị trấn. Tăng cường ứng dụng IoT, Camera, AI trong quản lý, giám sát vận hành đô thị, phát huy ứng dụng hiệu quả mạng 5G. Sở TT-TT TPHCM rà soát, cập nhật các quy định, quy chế vận hành chuyển từ “giấy” qua “số”. Việc này tập trung 4 chính sách: Chính sách cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến toàn trình, chính sách tỷ lệ chi tối thiểu và hướng dẫn định mức chi cho ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, chính sách chuyển đổi số doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách thuê chuyên gia chuyển đổi số. Hoàn thiện các nền tảng dùng chung, liên thông kết nối các nền tảng của bộ ngành và đẩy mạnh các nền tảng hệ thống thông tin chuyên ngành, trong đó tập trung ở lĩnh vực cấp phép xây dựng, quản lý đất đai…

Nâng cao năng lực phục vụ nhà nước và người dân

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhấn mạnh, hạ tầng dữ liệu hết sức quan trọng và cần liên thông. Trong liên thông dữ liệu liên quan đến đề án 06, đề xuất ngành công an sớm thử nghiệm liên thông dữ liệu để tạo hiệu quả trong chuyển đổi số. Phó Chủ tịch Dương Anh Đức cũng đề nghị Sở TT-TT sớm công bố các dịch vụ số, các ứng dụng số để người dân, doanh nghiệp sớm ứng dụng, có phản hồi… vì chuyển đổi số phải thực hiện trên phương châm thực chất, chất lượng, hiệu quả.

dsc-2022-9409.jpg
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG

Song song đó, các đơn vị khác cũng có nhiều ý kiến đóng góp cho Kế hoạch triển khai Chương trình chuyển đổi số và Đô thị thông minh thành phố năm 2024. Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TPHCM cho biết: Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ mong muốn thực hiện chuyển đổi số nhưng nguồn lực có hạn, đề xuất thành phố có hỗ trợ một phần kinh phí cho các đối tượng này thông qua các tổ chức như Hiệp hội doanh nghiệp thành phố (HUBA) để các hoạt động chuyển đổi số được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng doanh nghiệp.

dsc-2037-9481.jpg
Ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội tin học TPHCM phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: CAO THĂNG

Dữ liệu, đặc biệt là dữ liệu công thì chỉ có nhà nước mới được quyền chủ động khai thác. Dữ liệu là một tài sản mà nếu khai thác càng nhiều thì càng hiệu quả. Dữ liệu đóng, là dữ liệu chết. Chính vì vậy dữ liệu rất cần tương tác và sự tương tác đó chỉ có được khi có tác động, khai thác của người dân và doanh nghiệp. Đề xuất Thành phố chọn một số nội dung để triển khai sớm việc kết nối, liên kết dữ liệu cũng như thực hiện việc “hồ sơ hoàn công số” như một quy định bắt buộc. Hội tin học TPHCM sẵn sàng cùng các sở ngành tham mưu nội dung này.

“Thành phố hãy đưa chuyên đề nhận thức về chuyển đổi số vào các cuộc sinh hoạt của các chi bộ Đảng, tổ chuyển đổi số cộng đồng ở địa phương, các chương trình đào tạo, tập huấn cán bộ các cấp để nâng cao nhận thức cho đội ngũ công chức, viên chức của Thành phố. Vì khi nhận thức thay đổi thì tư duy và phương pháp tổ chức thực hiện chắc chắn sẽ thay đổi. Điều này sẽ giúp cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp công nghệ có cơ hội tiếp cận để triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực công, thúc đẩy chính quyền điện tử, chính quyền số”, ông Lâm Nguyễn Hải Long chia sẻ.

Phó Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Trần Văn Bảy cho rằng, con người là yếu tố quan trọng nhất của hệ thống, là nhân tố và quyết định sự thành công của quá trình chuyển đổi số. Chính vì vậy, Sở TN-MT luôn chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng. Hiện nay, nhân sự vận hành, sử dụng hệ thống là hơn 1.200 người.

Tuy nhiên, cơ sở vật chất, trang thiết bị còn rất nhiều hạn chế, thu nhập của công chức, viên chức, người lao động còn nhiều khó khăn nên rất cần thành phố ưu tiên nguồn lực để tiếp tục triển khai chuyển đổi số, trong đó tập trung vào các nhiệm vụ mang tính trọng tâm, trọng điểm có tính nền tảng để phát triển ứng dụng CNTT trong tương lai, hình thành các Hệ sinh thái trên môi trường số như Hệ sinh thái dữ liệu đất đai với quan điểm chuyển đổi số không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước mà còn tạo ra động lực mới, môi trường phát triển mới để người dân và doanh nghiệp cùng tham gia, góp phần xứng đáng vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của Thành phố.

Phát biểu tại cuộc họp, Chủ tịch Phan Văn Mãi hoan nghênh các ý kiến đóng góp của các đại biểu và đề nghị Sở TT-TT nắm bắt, tổng hợp các ý kiến đóng góp cho chuyển đổi số thành phố và có tham mưu cho thành phố. Thành phố cũng mời tất cả doanh nghiệp lớn tham gia chuyển đổi số cùng thành phố, trên tinh thần có việc hỗ trợ cho dự án, có những việc là đầu tư của doanh nghiệp vào thành phố để chuyển đổi số mang lại nhiều kết quả tốt. Chuyển đổi số của thành phố phải nâng cao năng lực phục vụ của cơ quan hành chính, của công chức viên chức, của người trong bộ máy hành chính. Như vậy, người dân, cá nhân, tổ chức và người có giao dịch với bộ máy hành chính được dễ dàng hơn, thuận lợi hơn với chi phí thấp nhất, Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu.

“Với các kế hoạch đề ra, Sở TT-TT cần xác định chọn các việc phải làm nhanh trong quý 1-2024 như bố trí vốn, xây dựng các thể chế, các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Các quận huyện cần triển khai tiếp các công việc đang thực hiện và tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ tiếp theo để kết nối thành hệ thống. Từ đây đến năm 2025, chúng ta phải phấn đấu các việc, các giao tiếp với các cá nhân, của cá nhân và tổ chức với bộ máy hành chính Thành phố phải cơ bản được thực hiện trên nền tảng số. Đi cùng đó là đảm bảo quản lý thực thi, tức điều hành hoạt động hành chính của Thành phố phải trên nền tảng số”, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo.

Tin cùng chuyên mục