Nhanh chóng, tiện lợi
Là một trong những đơn vị đi đầu về CĐS, những năm qua, Sở TN-MT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hoàn thành kết nối, chia sẻ dữ liệu quốc gia về dân cư với dữ liệu đất đai của tỉnh (chủ sử dụng đất) để phục vụ tra cứu thông tin. Sở cũng hoàn thiện kết nối phần mềm quản lý cơ sở dữ liệu đất đai (iLand) với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh nhằm tự động hóa nhiệm vụ số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kết nối giữa hệ thống thông tin ngành TN-MT với các hệ thống thông tin khác nhằm chia sẻ dữ liệu, góp phần cắt giảm quy trình thực hiện thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, nhân lực để giải quyết công việc. Đặc biệt, đơn vị sử dụng máy bay không người lái (UAV) trong khảo sát địa hình mặt đất để nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ các dự án. Anh Nguyễn Hoàng Anh (phường 5, TP Vũng Tàu) chia sẻ, khá ấn tượng với ứng dụng iLand của tỉnh bởi đã mang lại rất nhiều tiện ích trong tra cứu thông tin các thửa đất; chỉ cần tải ứng dụng về điện thoại, nhập các thông tin cơ bản về số tờ, số thửa đã có thể xem được thực trạng, quy hoạch và nhiều thông tin khác.
Trong khi đó, ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh của tỉnh cũng được triển khai rộng rãi. Đến nay, 123/123 cơ sở khám chữa bệnh có ký hợp đồng với BHXH sử dụng căn cước công dân gắn chíp tích hợp BHYT trong khám chữa bệnh. Đồng thời, 100% bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh lắp đặt, sử dụng các phương thức thanh toán không dùng tiền mặt để thanh toán viện phí và các giao dịch khác, hiện giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt trong các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh chiếm 87%.
Tại TP Vũng Tàu, nhằm hướng đến phát triển du lịch chất lượng cao, địa phương đã đưa vào vận hành dự án “Xây dựng hệ thống quản lý điều hành đô thị thông minh”. Với hệ thống màn hành ghép gồm 24 màn hình kích thước 55 inch ghép lại đặt tại Trung tâm điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã hiển thị đầy đủ các thông tin, hình ảnh; từ đây giúp bộ phận trực có thể tương tác phát hiện kịp thời các tình huống ở nhiều địa điểm.
Kinh tế số trở thành động lực tăng trưởng
Theo ông Đỗ Hữu Hiền, Giám đốc Sở TT-TT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, CĐS đang từng bước giúp tỉnh thay đổi cách làm từ việc phát triển dữ liệu số trong cơ quan nhà nước, triển khai nhiều phần mềm ứng dụng và dịch vụ giúp cán bộ công chức xử lý công việc nhanh chóng hơn. Công tác quản lý hành chính, quản lý xã hội và việc điều hành, chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh ngày càng sâu sát hơn. Nghị quyết số 02 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 tỉnh cơ bản hoàn thiện CĐS và hình thành mô hình đô thị thông minh. Kinh tế số đang trở thành nền tảng cốt lõi, thúc đẩy kinh tế phát triển mạnh mẽ và xây dựng xã hội an toàn, nhân văn, thịnh vượng thông qua đổi mới căn bản hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân.
Theo Quyết định số 968/ QĐ-UBND về phê duyệt kế hoạch CĐS năm 2024 của UBND tỉnh, Bà Rịa - Vũng Tàu nhanh chóng đưa ứng dụng công nghệ số và dữ liệu số để cải tiến, thay đổi quy trình tác nghiệp của cơ quan nhà nước nhằm đổi mới phương thức phục vụ; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm. Đảm bảo công khai, minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính và phấn đấu đưa tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào top 15 tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước về mức độ CĐS. Đi kèm là 6 nhóm giải pháp chủ yếu như: truyền thông, nâng cao nhận thức, tăng cường tương tác với người dân, doanh nghiệp; công tác lãnh đạo, chỉ đạo; đào tạo nguồn nhân lực; giải pháp tài chính; giải pháp hợp tác và kiểm tra, giám sát.
Bà Trần Thị Quốc Hiền, Phó Cục trưởng Cục chuyển đổi số quốc gia (Bộ TT-TT) đánh giá, công tác CĐS của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có sự chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh. Điều này thể hiện rõ khi đến thăm hệ thống Trung tâm IOC của tỉnh, khi góp phần kiểm soát hiệu quả các tàu trên biển và nếu tiếp tục triển khai tốt thì mô hình này sẽ có thể được nhân rộng ra các tỉnh thành ven biển khác.