Hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới.
Chiều 11-10, tại Hà Nội, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam và Tập đoàn IEC (IEC Group) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số ngành ngân hàng - Smart Banking 2022 với chủ đề “Ngành ngân hàng chủ động và tiên phong tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, dưới sự chủ trì của Ban Kinh tế Trung ương và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Quang cảnh phiên khai mạc diễn đàn. Ảnh: T.B Phát biểu tai diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh cho rằng, ngân hàng là ngành kinh tế đặc biệt quan trọng, giữ vai trò là “huyết mạch” của nền kinh tế quốc dân. Thời gian qua, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và toàn ngành ngân hàng đã tích cực triển khai các nhiệm vụ chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực. Tuy nhiên, thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế cần phải được khắc phục, nhất là pháp luật, cơ chế, chính sách cần phải đẩy nhanh và cập nhật kịp thời, hoàn thiện để phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo, trước hết là pháp luật về doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo, sở hữu trí tuệ, thương mại, đầu tư, kinh doanh, dữ liệu và quản lý dữ liệu, giao dịch điện tử, phát triển công nghiệp công nghệ số.
“Ngành ngân hàng cần sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ xu thế cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có các chính sách ngăn chặn kịp thời các tác động tiêu cực cả về kinh tế và xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng...", Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh. |
Trưởng Ban Kinh tế Trung ươngTrần Tuấn Anh phát biểu khai mạc diễn đàn. Ảnh: T.B Theo Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Kim Anh, thời gian qua, đơn vị này luôn bám sát các chủ trương, định hướng chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ... để chỉ đạo trên toàn ngành chủ động, tích cực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm chủ động nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với việc xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch chuyển đổi số toàn ngành cũng như tại từng tổ chức tín dụng.
Với quan điểm tiếp cận lấy người dân làm trung tâm và sự thuận tiện, trải nghiệm của người sử dụng dịch vụ là thước đo, ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả bước đầu. Hiện nay, ngành ngân hàng vẫn đứng trước những thách thức về bài toán đầu tư hiệu quả, sự thay đổi thường xuyên, liên tục về nhu cầu, thị hiếu của khách hàng và xu hướng tội phạm công nghệ cao với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, đến từ khắp nơi trên thế giới. Bởi vậy, ngành phải chuyển đổi số một cách bài bản, có trọng tâm, trọng điểm với lộ trình cụ thể.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh tham quan và trải nghiệm những dịch vụ ngân hàng mới tại Smart Banking 2022. Ảnh: T.B Trong khuôn khổ sự kiện, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) thuộc Cục An toàn thông tin, Bộ TT-TT phối hợp cùng Cục CNTT, Ngân hàng Nhà nước và IEC Group tổ chức diễn tập chủ động phòng thủ không gian mạng “DF Cyber Defense 2022”.
Đây là sự kiện thường niên quy mô lớn về phòng chống tấn công mạng trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính tại Việt Nam. Tại đây, 60 đội với 200 chuyên gia tác chiến không gian mạng đến từ hơn 50 ngân hàng, tổ chức tài chính tại Việt Nam sẽ tìm kiếm lời giải cho bài toán bảo mật của ngân hàng. Các đội diễn tập sẽ cạnh tranh giành vị trí cao nhất trên bảng xếp hạng ngay tại “chiến trường không gian mạng” của DF Cyber Defense 2022.
Chuyên gia các đội đang tham gia diễn tập DF Cyber Defense 2022. Ảnh: T.B Chuyên gia các đội đang tham gia diễn tập DF Cyber Defense 2022. Ảnh: T.B TRẦN BÌNH