Diễn đàn do Bộ NN-PTNT phối hợp UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức.
Tham dự diễn đàn có Bộ trưởng Bộ KH-CN Huỳnh Thành Đạt; Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam; Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố vùng ĐBSCL.
Phát biểu khai mạc phiên toàn thể, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Trần Thanh Nam cho biết, Diễn đàn Khởi nghiệp ĐBSCL được tổ chức thường niên nhằm hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy hành động của cả hai khu vực công - tư, các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo. Tất cả hướng đến mục tiêu chung là phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững, kết hợp hài hòa các yếu tố và tạo dấu ấn riêng cho vùng.
Theo Thứ trưởng, ĐBSCL hiện đối mặt nhiều thách thức do biến đổi khí hậu. Do đó, để vùng ĐBSCL phát triển nhanh và bền vững, phù hợp với xu thế phát triển chung thì việc chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu.
“Ngoài ra, các lĩnh vực về nông nghiệp xanh, công nghệ thông tin, dịch vụ logistics, đào tạo, dịch vụ hỗ trợ nông nghiệp, du lịch sinh thái đều là những lĩnh vực rất tiềm năng cho khởi nghiệp ĐBSCL trong giai đoạn tới”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho hay.
Đánh giá về sự kiện này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh: "Đây là một chương trình rất ý nghĩa, góp phần thúc đẩy phong trào khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, cũng như phát triển kinh tế khu vực ĐBSCL".
Theo ông Phạm Thiện Nghĩa, lần thứ 2 diễn đàn được tổ chức có tính chất đối thoại công - tư ở quy mô cấp vùng, tập trung thảo luận hai bài toán khó. Thứ nhất, những xu hướng mới, mô hình và giải pháp mới để phát triển kinh tế xanh, bền vững tại ĐBSCL. Thứ hai, bài toán trọng tâm của quốc gia và của vùng về thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp sáng tạo gắn với định hướng xanh hóa nền kinh tế.
Ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh, chủ đề “Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển” là xu hướng toàn cầu, vấn đề cấp thiết đối với sự phát triển bền vững của khu vực ĐBSCL, vùng đất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng cũng đang phải đối mặt với những thách thức lớn về biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường và sự suy giảm của các hệ sinh thái tự nhiên. Khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chính là chìa khóa giải quyết các vấn đề, tạo ra giá trị mới và phát triển bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa, điểm rất mới của diễn đàn lần II là đã khởi xướng tổ chức Cuộc thi Sáng kiến Mekong lần thứ nhất, tiếp nhận sáng kiến từ các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức khắp cả nước và vùng ĐBSCL để chọn được các sáng kiến tiêu biểu, nổi bật, có khả năng nhân rộng và phù hợp với nhu cầu phát triển của xã hội, đóng góp cho mục tiêu chuyển đổi xanh của khu vực, hướng tới góp phần phát triển kinh tế ĐBSCL theo hướng bền vững - thích ứng biến đổi khí hậu.
Đồng Tháp cũng khởi xướng sáng kiến thành lập Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong, gồm các nhóm công tác nông nghiệp xanh, du lịch xanh, thanh niên Mekong xanh với mục tiêu hình thành lực lượng, đẩy mạnh hợp tác công - tư, góp phần hiện thực hóa các giải pháp phát triển bền vững và bảo vệ môi trường, chuyển đổi xanh.
Tại diễn đàn lần này, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố một số kết quả và thông điệp chính của Mekong Startup lần II năm 2024.
Thứ nhất, diễn đàn thực sự trở thành “địa chỉ đỏ” để hiệu triệu, tập hợp, thúc đẩy khí thế, hành động của cả hai khu vực công - tư, đặc biệt là lực lượng doanh nghiệp khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo nhằm cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ về Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là “Phát triển bền vững, đổi mới sáng tạo, đảm bảo hài hòa các lợi thế tự nhiên đồng thời tạo nên những dấu ấn riêng”.
Trong đó, Đồng Tháp là “Trung tâm giải pháp chuyển đổi xanh khu vực ĐBSCL” trong tình hình mới.
Thứ hai, diễn đàn với sự cộng hưởng của sáng kiến hình thành Mạng lưới Chuyển đổi xanh Mekong sẽ được duy trì và phát triển trở thành một nền tảng hợp tác, đối thoại công - tư hiệu quả gắn với đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp và thúc đẩy định hướng kinh tế xanh.
Thứ ba, đẩy mạnh các hoạt động kết nối nguồn lực và thị trường thời gian tới để hỗ trợ phát triển những mô hình, sản phẩm, dự án khởi nghiệp, công nghệ - dịch vụ hỗ trợ của khu vực ĐBSCL, đặc biệt trong lĩnh vực khởi nghiệp nông nghiệp, du lịch.
Thứ tư, những cá nhân, tập thể, đơn vị điển hình trong hoạt động khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo gắn với kinh tế xanh đã được tôn vinh.
Thứ năm, thông qua diễn đàn, hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của vùng đã được phát triển lên một bước. Đây sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy ra đời các mô hình mới hiệu quả, thiết thực.
Thứ sáu, các hoạt động trong khuôn khổ diễn đàn đảm bảo thiết thực, hiệu quả, thu hút được đa dạng nguồn lực trong và ngoài nước (cả khu vực công và tư); đóng góp cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát huy tiềm năng, vị thế của các tỉnh khu vực ĐBSCL.
Cuộc thi Sáng kiến Mekong năm 2024 đã tiếp nhận 136 bài dự thi đến từ 18 tỉnh, thành trên khắp cả nước. Trong đó, 79 đơn vị đến từ tỉnh Đồng Tháp, 14 đơn vị đến từ TPHCM. Trải qua các vòng thi, 10 đội xuất sắc đã lọt vào vòng chung kết.
Ban tổ chức đã trao giải nhất cho nhóm tác giả Nguyễn Trung Tính (Đồng Tháp), với dự án Chuỗi giá trị tuần hoàn giảm phát thải ngành thủy sản Alpha amin; giải Nhì được trao nhóm tác giả Lê Thị Thu Ngân (TPHCM), với dự án Airboots - robot siêu nhẹ chăm sóc cây lúa với ba chức năng phun thuốc, bón phân và gieo hạt; giải Ba được trao cho nhóm tác giả Hồ Ngọc Trâm (Đồng Tháp), với dự án Nông trại nghỉ dưỡng thuận thiên Việt Mekong farmstay.
7 dự án còn lại nhận giải Khuyến khích, gồm: Áo giáp hạt giống; Máy đọc chỉ số thông minh: nước, điện, gas, khí; Thu gom và xử lý chất thải hữu cơ từ ngành công nghiệp cá tra - ủ biogas và sản xuất năng lượng tái tạo; Bộ sản phẩm xanh Endota sản xuất từ phụ phẩm nông nghiệp; Sản xuất nấm đông trùng hạ thảo (cordycep militaris) từ tinh chất dừa - (không dùng cơ chất sâu nhộng) - tạo chuỗi liên kết sản xuất địa phương và nâng tầm dừa Việt; Nghiên cứu sản phẩm bể trồng xanh từ vật liệu tái chế dùng xỉ hàm lượng cao cho sàn hầm khối lớn; NetZero Pallet - Pallet làm từ vỏ dừa.
Cơ cấu giải thưởng gồm giải nhất 100 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng và giải ba 30 triệu đồng; 7 giải khuyến khích, mỗi giải nhận 10 triệu đồng.