Hội nghị được kết nối tới 11.632 điểm cầu ở Trung ương và các địa phương trên toàn quốc với 1.196.227 đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên tham gia nghiên cứu, học tập, quán triệt nghị quyết.
Trong sáng 6-12, hội nghị đã nghe đồng chí Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Kinh tế Trung ương truyền đạt nội dung Nghị quyết số 29-NQ/TW Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII chuyên đề “Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.
Theo đồng chí Trần Tuấn Anh, công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH-HĐH) là chủ trương xuyên suốt và nhất quán của Đảng ta trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt là từ khi đẩy mạnh thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước đến nay. Quá trình đổi mới tư duy lý luận của Đảng từ khi đổi mới đến nay cho thấy sự liên tục bổ sung, cập nhật, chủ trương hóa cách thức, biện pháp thực hiện CNH-HĐH đất nước. Trải qua mỗi kỳ đại hội, dù cho cách diễn đạt có thể khác nhau, nhấn mạnh các nhiệm vụ cấp bách khác nhau cần giải quyết trong mỗi thời kỳ phát triển của đất nước, song về cơ bản, Đảng ta đã đề ra và chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện nhiều chủ trương, đường lối quan trọng về CNH-HĐH với tinh thần xuyên suốt, nhất quán là hướng tới đẩy mạnh CNH-HĐH nhằm đưa đất nước trở thành nước công nghiệp phát triển có cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, chất lượng cuộc sống của người dân ngày càng nâng cao.
Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cho thấy, đối với đại đa số các nước trên thế giới, để trở thành nước công nghiệp, nước phát triển, đạt mức thu nhập cao đều phải tiến hành quá trình CNH-HĐH. Chỉ có một số ít nước không trải qua công nghiệp hóa vẫn trở thành nước phát triển hay nước công nghiệp như Singapore, Thụy Sĩ, Canada, New Zealand, Australia, Israel vì các nước này có những đặc điểm rất đặc thù. Với đặc điểm và điều kiện của Việt Nam, để trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp vào năm 2025, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 tất yếu phải tiếp tục đẩy mạnh CNH-HĐH.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, trong bối cảnh phát triển mới hiện nay, nghị quyết là cơ sở, căn cứ chính trị hết sức quan trọng trong việc định hướng những tư duy mới, chủ trương, nhiệm vụ, giải pháp mới nhằm tạo động lực thúc đẩy CNH-HĐH đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Theo Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, nghị quyết đã khái quát thành 9 kết quả đạt được rất quan trọng, CNH-HĐH đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức cao, đạt bình quân 6,17%/năm trong 10 năm qua, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, quy mô nền kinh tế tăng nhanh, đưa nước ta trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Tuy nhiên, nghị quyết cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế trong quá trình thực hiện CNH-HĐH ở nước ta thời gian qua. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 không hoàn thành với nhiều tiêu chí không đạt được; tăng trưởng kinh tế không đạt mục tiêu chiến lược đề ra, tốc độ có xu hướng giảm dần theo chu kỳ 10 năm; có nguy cơ tụt hậu và rơi vào bẫy thu nhập trung bình…
Theo đồng chí, xu hướng chính của bối cảnh quốc tế và trong nước đã được nhận diện rất rõ đang và sẽ tác động tới quá trình CNH-HĐH đất nước thời gian tới. Đây cũng chính là những điểm khác biệt so với các giai đoạn CNH-HĐH trước đây, đòi hỏi chúng ta phải có tư duy và cách tiếp cận mới về CNH-HĐH. Do đó, Nghị quyết đã đưa ra 5 nhóm quan điểm chỉ đạo trong thời gian tới, trong đó nêu rõ gắn quá trình thực hiện CNH-HĐH với xây dựng nền kinh tế, quốc gia độc lập tự chủ, dựa trên nội lực của đất nước, coi nội lực là quyết định. Từ chỗ xuất phát coi công nghiệp hóa là mục tiêu phát triển, thì nay đã chuyển sang coi CNH- HĐH là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững đất nước.
Cùng với đó, theo đồng chí Trần Tuấn Anh, việc coi “chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá” đã thể hiện sự đổi mới trong tư duy thực hiện CNH- HĐH lần này. Đó là quá trình CNH-HĐH đất nước sẽ không thể tiến hành biệt lập, khép kín mà phải đặt trong chuỗi sản xuất - kinh doanh toàn cầu. Với lợi thế của nền kinh tế đi sau, cùng với việc chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế số, Việt Nam hoàn toàn có thể “kết hợp đồng bộ, hiệu quả giữa phát triển tuần tự với đi tắt đón đầu” và rút ngắn quá trình CNH- HĐH đất nước.
Ban Chấp hành Trung ương đã đưa ra tầm nhìn đến năm 2045: Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, thuộc nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu khu vực châu Á.
Để cụ thể hóa mục tiêu tổng quát đến năm 2030, nghị quyết đã đề ra 10 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu bao phủ những vấn đề lớn từ đổi mới tư duy, nhận thức cho đến hoàn thiện thể chế, chính sách và giải quyết những điểm nghẽn, khắc phục những hạn chế trong thực hiện CNH-HĐH thời gian qua. Trong đó, đáng chú ý, Trung ương đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030. Nghị quyết cũng đã chỉ rõ các ngành, lĩnh vực cần ưu tiên nguồn lực và có các cơ chế, chính sách khuyến khích và ưu đãi đủ mạnh để phát triển, tránh dàn trải.
Nghị quyết cũng đặt ra yêu cầu tập trung ưu tiên đầu tư thích đáng, tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh mẽ giai cấp công nhân cả về số lượng và chất lượng; quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, nhà ở và phúc lợi xã hội cho công nhân; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân. Bên cạnh đó, cần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức và phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của đội ngũ trí thức và doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH-HĐH trong tình hình mới; xây dựng và triển khai chiến lược phát triển đội ngũ trí thức, Chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân đến năm 2030, chương trình quốc gia về đào tạo doanh nhân, xây dựng văn hóa kinh doanh Việt Nam tiên tiến, giàu bản sắc và hội nhập quốc tế…